Hội thảo khoa học cấp bộ “Nhận diện những bất cập trong luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nhìn từ thực tế” bàn đến nhiều vấn đề như độ tuổi trong hôn nhân, chế độ tài sản, ly thân, mang thai hộ… Riêng vấn đề hôn nhân đồng giới được các đại biểu bàn luận sôi nổi.
TS Nguyễn Văn Cừ cho rằng nên cân nhắc “cấm kết hôn đồng giới” bằng “không công nhận quan hệ vợ chồng” để luật mềm mỏng hơn. Ảnh: Phan Dương. |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội, cho biết: “Cá nhân tôi chưa đồng ý hôn nhân đồng giới vì nó chưa phù hợp với phong tục tập quán người Việt”.
Giải thích cho ý kiến của mình, ông Cừ cho biết tuy có 19 nước trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính nhưng đó vẫn là con số quá ít ỏi. Ở châu Á cũng chưa có nước nào cho phép người đồng tính kết hôn.
“Luật đã quy định rõ ràng rồi, không cần thiết phải điều chỉnh luật để giải quyết hậu quả pháp lý trong việc chung sống của người đồng tính”, ông Cừ nhấn mạnh.
Theo ông, người đồng tính không được công nhận vợ chồng nên cũng không có quyền ly hôn. Việc phân chia tài sản, con nuôi hay các hậu quả phát sinh trong mối quan hệ giữa họ sẽ giải quyết theo luật dân sự.
Cũng theo vị này, nên cân nhắc thay thuật ngữ “cấm kết hôn đồng giới” bằng “không công nhận quan hệ vợ chồng” để luật mềm mỏng hơn.
“Luật cấm việc kết hôn giữa người đồng tính chứ không cấm họ làm đám cưới, sống chung với nhau. Thực tế những người thi hành pháp luật địa phương vẫn chưa nhận thức rõ pháp luật nên còn chuyện xử lý, phạt những đám cưới đồng giới”, ông Cừ nói.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Hà Thị Thanh Vân – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Cần phải xem xét lại thuật ngữ kết hôn. Kết hôn là sự kết hợp giữa nam và nữ để giải quyết nhu cầu sinh lý và nòi giống, đó là hôn nhân dị tính. Việc cho phép hôn nhân đồng tính sẽ ảnh hưởng đến 22 triệu hộ gia đình Việt Nam. Bản thân tôi thấy không nên thay đổi luật”.
Cũng về vấn đề này, bà Trịnh Thị Lê Trâm – nguyên Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế cho rằng: “Người đồng tính có thể quan hệ tình dục, sống chung nhưng chuyện kết hôn như nam, nữ còn phải cân nhắc. Học tập quốc tế là một chuyện, ở nước ta cần phải dựa vào phong tục tập quán, quan hệ nòi giống, tài sản… Phải cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, phải qua nhiều cuộc hội thảo nữa mới có thể quyết định”.
Tương tự, bà Nguyễn Phương Lan – Đại học Luật Hà Nội nhận định cần phải có thái độ khác với 2 xu hướng tính dục đó là người đồng tính bẩm sinh và những người a dua, tâm lý đua đòi. Với người đồng tính bẩm sinh cần bảo vệ quyền lợi của họ nhưng cũng chỉ ở mức độ không ngăn cấm họ chung sống với nhau chứ không thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Bảo vệ quan điểm ủng hộ hôn nhân đồng tính, ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường đã trình bày một bức tranh tổng thể về người đồng giới tại Việt Nam.
Ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường ủng hộ đưa hôn nhân đồng giới vào luật Hôn nhân và Gia đình. Ảnh; Phan Dương. |
Ông Bình chỉ ra nếu lấy ngưỡng “an toàn” được nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì sẽ có khoảng 1,65 triệu người đồng tính, song tính trong độ tuổi từ 15 đến 59 ở Việt Nam.
Trước ý kiến phản bác cho rằng đây là một con số quá nhỏ trong dân số nước ta, ông Bình lập luận: “Thực tế người đồng tính đang làm việc trong tất cả các cơ quan và ngành nghề công việc như một xã hội thu nhỏ. Việc công nhận hôn nhân đồng tính sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe, công việc, đóng của họ, làm thay đổi định kiến trong gia đình, xã hội".
Giải thích cho câu hỏi tại sao lại thừa nhận hôn nhân đồng tính vào thời điểm này, chuyên gia cho biết: “Trước đây chuyện chửa hoang cũng đi ngược lại thuần phong mỹ tục người Việt, thế rồi luật cũng cho phép làm mẹ đơn thân. Vậy tại sao không công nhận hôn nhân đồng tính, xã hội thay đổi thì phải thay đổi. Quá trình lấy ý kiến về luật hôn nhân đồng tính cần lấy ý kiến từ chính họ”.
Cũng bỏ phiếu cho hôn nhân đồng tính, ông Nicholas Booth – cố vấn chính sách Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) nói rằng người đồng giới ở Việt Nam được phép sống cùng nhau nhưng đứng từ quan điểm của Liên Hợp Quốc thì còn nhiều việc chưa ổn. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từng nhấn mạnh 'không phân biệt đối xử với người đồng tính'. Cho nên điều quan trọng không chỉ ở quyền sống chung mà hơn hết là người đồng tính có quyền tạo dựng cuộc sống không phải như hai cá thể sống cùng với nhau mà là tình yêu”.
Vị này cũng phân tích khi chúng ta cống hiến, tình nguyện gắn bó với ai đó thì quyền và nghĩa vụ của ta với người đó và người đó với ta là như thế nào. “Nếu người bạn đời bị ốm, chúng ta có quyền đến chăm sóc, chịu trách nhiệm với cuộc sống của họ hay không. Nếu bạn đời chết ta có bị đuổi khỏi nhà mà ta đã sống với họ đã 30 năm nay. Đối với con cái mà ta đã cùng nuôi dạy thì quyền lợi sẽ như thế nào”.
“Vì thế mà chúng ta phải tôn trọng quyền được yêu của người đồng tính theo như quy định của luật hôn nhân và gia đình chứ không đơn giản là sống với nhau. Ở Việt Nam có thể là quá sớm nhưng chúng tôi khích lệ và ủng hộ Bộ Tư pháp trong lần sửa đổi này để tạo môi trường cho người đồng tính bảo đảm cuộc sống chung giữa họ”, ông Nicholas Booth kiến nghị.
Cuối buổi hội thảo, ông Nguyễn Am Hiểu – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế bộ Tư pháp - chủ trì buổi hội thảo tóm lược: “Hôn nhân đồng giới đang được dư luận rất quan tâm. Trên các diễn đàn đang bàn luận rất nhiều về vấn đề này".
Ông Hiểu cũng lấy ví dụ: “Trước đây quốc hội Tây Ban Nha thảo luận về hôn nhân đồng tính. Đa phần đều phản đối, chỉ có một đại biểu vốn là diễn viên ba lê nói nếu cấm hôn nhân đồng giới thì toàn bộ hoạt động ba lê trên thế giới cùng chấm hết. Không hiểu có phải do bản chất nghề nghiệp hay người đồng tính làm việc này tốt hay không mà quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua luật hôn nhân đồng giới. Hiện nay trên thế giới xu hướng công nhận vẫn nhiều hơn”.
Bộ Tư Pháp ghi nhận các ý kiến tại hội thảo này và sẽ trình lên Bộ trưởng trong thời gian tới.
Trong cuộc điều tra về đồng tính nữ của iSEE năm 2012 có 92% người được hỏi (mẫu nghiên cứu 2.401 người) muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới. Trong điều tra tương tự năm 2012 do ICS thực hiện với hơn 2.000 đồng tính nam và nữ thì có 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn, 25% muốn được đăng ký sống chung và 4% muốn được sống chung không đăng ký. Hiện nay trên thế giới có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng giới. Bên cạnh đó cũng có 44 nước chấp nhận hình thức hôn nhân dân sự, quan hệ có đăng ký, quan hệ gia đình…có đủ quyền lợi như vợ chồng dị tính khác. Trong đó nhiều cặp đồng tính nhận con nuôi hoặc sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng/trứng của một trong hai người. |
Phan Dương