Guardian đưa tin người gặp nạn là thợ lặn tên Saman Kunan, 38 tuổi.
Cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm hải quân SEAL của Thái Lan thiệt mạng vì thiếu oxy khi đang làm nhiệm vụ đặt các bình khí dọc đoạn đường khoảng 3,2 km trong hang Tham Luang. Đây là giải pháp đang được sử dụng để tái cung cấp không khí ở hang.
Thông tin về cái chết của Kunan được giới chức Thái Lan đưa ra tại cuộc họp báo sáng nay.
"Một cựu đặc nhiệm SEAL tình nguyện hỗ trợ cứu hộ đã tử vong vào khoảng 2h sáng", phó thống đốc tỉnh Chiang Rai Passakorn Boonyaluck cũng xác nhận với các phóng viên tại hiện trường, gọi đây là một "tin buồn".
Kunan bất tỉnh khi đang quay trở ra từ khoang thứ ba của hang, cách cửa hang 1,5 km.
"Trên đường ra, cậu ấy bị bất tỉnh", chỉ huy SEAL Apakorn Yookongkaew, cho biết và thêm rằng một cộng sự đã cố gắng dìu anh ra ngoài, cấp cứu nhưng bất thành.
Thi thể người thợ lặn đã được chuyển tới sân bay Suvarnabhumi, Bangkok trước khi đưa về quê nhà Roi Et. Nhiều người bày tỏ sự tiếc thương anh trên Facebook.
Quốc vương Thái Lan tuyên bố tang lễ của Kunan sẽ do hoàng gia chi trả.
Cái chết của Kunan nhấn mạnh những nguy hiểm của chiến dịch cứu hộ 12 thiếu niên và huấn luyện viên của các em bên trong hang động ngập nước, đặt ra những câu hỏi về tính khả thi của phương án giải cứu các nạn nhân.
"Những vụ tai nạn như thế có thể xảy ra bất cứ lúc nào với ai trong nghề này nhưng chúng tôi sẽ tiến lên và tiếp tục làm việc. Tinh thần của chúng tôi vẫn rất mạnh mẽ", ông Yookongkaew nói.
Khi được hỏi rằng làm thế nào những đứa trẻ không biết bơi có thể di chuyển ra khỏi hang khi một thợ lặn kỳ cựu cũng phải bỏ mạng, ông đáp: "Chúng tôi phải thử mọi cách. Dù mất đi một người, chúng tôi vẫn phải có niềm tin để thực hiện tiếp công việc của mình".
"Các thành viên SEAL làm nhiệm vụ cứu hộ, khác với bọn trẻ. Các cậu bé như trứng nằm trên đá", ông nói, ngụ ý rằng các em sẽ được trang bị cẩn thận hơn.
13 nạn nhân mắc kẹt trong hang Tham Luang từ hôm 23/6 đang được dạy lặn cùng các thiết bị để có thể thoát ra ngoài dưới sự hộ tống của lực lượng cứu hộ. Tuy nhiên, phương án này được các chuyên gia đánh giá là mạo hiểm.
Thái Lan trong khi đó cũng đang sử dụng hàng trăm máy bơm công nghiệp để tháo nước khỏi hang, với mục tiêu đưa các nạn nhân ra ngoài mà không cần lặn. Việc bơm nước được đẩy nhanh vì trời dự kiến có mưa từ ngày mai. Nếu mực nước trong hang dâng cao trở lại, đội bóng nhí có thể bị kẹt lại ở đây suốt nhiều tháng.
Bên cạnh đó, thống đốc Chiang Rai Narongsak Osotthanakor cho hay một mối lo ngại khác là lượng oxy trong hang cũng đang cạn kiệt vì có quá đông nhân viên cứu hộ làm việc bên trong. Giới chức đang nỗ lực đưa một đường dây cáp dài 5 km vào vị trí đội bóng lánh nạn để cung cấp không khí cho các em thở.
Thách thức của ba phương án giải cứu đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt