Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Ông Ca được phong hàm thiếu tướng vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: Báo Hải Phòng. |
Theo tập hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 13, Bộ Công an đã có phản hồi với với nhiều ý kiến. Trong số đó có ý kiến của cử tri đề nghị Bộ trưởng Công an xem xét trách nhiệm của Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca trong vụ ông Đoàn Văn Vươn. Nếu có vi phạm thì cần xử lý nghiêm minh, công khai cho cử tri biết.
Tại công văn trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, thực hiện kết luận của Thủ tướng, kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và chỉ đạo của Bộ trưởng Công an, lãnh đạo Công an Hải Phòng và lãnh đạo Công an huyện Tiên Lãng đã kiểm điểm trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, nắm tình hình và xử lý tình huống không tốt để gây ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).
Qua kiểm điểm đã xác định trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Công an huyện Tiên Lãng, mà trực tiếp là ông Lê Văn Mải, Trưởng công an huyện. Vì vậy, ông Lê Văn Mải đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và điều động công tác ở đơn vị khác.
Bên cạnh đó, tập thể và cá nhân lãnh đạo Công an thành phố đã kiểm điểm nghiêm túc trước Ban Chấp hành Đảng bộ Công an thành phố và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Tại các hội nghị kiểm điểm đều thống nhất đánh giá, Giám đốc và các Phó giám đốc Công an thành phố đã thực hiện đúng chức trách, khẩn trương, kiên quyết và có nhiều cố gắng cùng lãnh đạo thành phố Hải Phòng khắc phục hậu quả xảy ra.
Bộ Công an khẳng định, cá nhân từng lãnh đạo Công an Hải Phòng cũng đã rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã không lường hết sự yếu kém của cơ sở, nên không tham mưu với UBND thành phố chọn phương án tốt nhất để xử lý vấn đề cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng.
Ngày 5/1/2012, khi đoàn công tác đi vào khu đầm để cưỡng chế thu hồi 19,3 ha, ông Vươn bị cáo buộc đã tổ chức chống đối. Ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn) nổ súng trước khiến 7 công an và quân nhân bị thương, tổn hại 11-36% sức khỏe. Trong vụ cưỡng chế hôm đó, Hải Phòng đã phải huy động lực lượng công an thành phố xuống huyện Tiên Lãng để xử lý vụ việc.
Cá nhân Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca ngay sau vụ việc cũng bày tỏ sự không hài lòng. Theo ông Ca, tổ công tác đã không lường được hết các tình huống nên để xảy ra hậu quả khiến 4 cảnh sát cùng 2 quân nhân bị thương. "Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây rất đồng tình. Tuy nhiên vụ việc có cái dở đó là tổ công tác khá chủ quan, không lường hết được các tình huống", ông Đỗ Hữu Ca nói với VnExpress hai ngày sau khi vụ việc xảy ra.
Liên quan tới vụ việc, Thành ủy Hải phòng cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Hàng loạt cán bộ huyện Tiên Lãng liên quan tới vụ việc cũng đã bị kỷ luật.
Ông Vươn và Quý mỗi người bị phạt 5 năm tù về tội Giết người. Hai đồng phạm Đoàn Văn Sinh và Đoàn Văn Vệ lĩnh lần lượt 33 tháng và 19 tháng tù. Ở tội Chống người thi hành công vụ, bị cáo Phạm Thị Báu (vợ ông Quý), Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) nhận hình phạt tù treo 15-18 tháng. Trong vụ cưỡng chế, do kết tội đã chỉ đạo phá nhà của ông Vươn, ông Nguyễn Văn Khanh (cựu phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) bị phạt 30 tháng tù treo. Ông Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Tiên Lãng), Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng) mỗi người 24 tháng tù treo. Ông Lê Văn Hiền (cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng) và Phan Đăng Hoan (cựu bí thư xã Quang Vinh) mỗi người 15 tháng tù treo. |
Nguyễn Hưng