Sáng 21/3, báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có gần 3.800 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội, trong đó rất nhiều người bày tỏ sự quan tâm, lo lắng đến chủ quyền biển Đông.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Đặc biệt Trung Quốc đã hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Trước thực trạng đó, nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình biển Đông.
![cu-tri-lo-lang-ve-chu-quyen-bien-dong-tinh-trang-xam-nhap-man](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/03/21/quochoi2-5031-1458535540.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FDBwQxRV-X07Qf3r25gwiQ)
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân báo cáo kiến nghị cử tri sáng 21/3. Ảnh: Giang Huy.
Mong muốn đại biểu Quốc hội khoá mới có tâm, có tầm
Cử tri đề nghị Quốc hội tổng kết một cách toàn diện, sâu sắc hoạt động của bộ máy Nhà nước trong nhiệm kỳ khóa 13; rút ra những bài học và kinh nghiệm cho việc xây dựng tổ chức bộ máy, nhân sự và hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong nhiệm kỳ tới.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, cử tri mong muốn lựa chọn được những người có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, tâm huyết với đất nước, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
"Nhân dân đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp để tổ chức cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Hiện công tác tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 bước vào giai đoạn khẩn trương. Mặt trận Tổ quốc đề nghị Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Cần tổ chức tốt các hội nghị lấy ý kiến cử tri, các cuộc tiếp xúc của người ứng cử với cử tri để người dân có đầy đủ thông tin về người ứng cử, từ đó lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình.
Đề nghị xử lý nghiêm vụ 'thực phẩm bẩn'
Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng; bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.
Dù Bộ Nông nghiệp đã chủ động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, song tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình có giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện chương trình phối hợp nêu trên", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bức xúc với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu
Ở nhiều nơi, nhân dân vẫn rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra ở các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề, vùng nông thôn; tình trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi trái phép ở nhiều nơi đã tác động xấu đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; nạn chặt phá, cháy rừng còn diễn biến phức tạp.
Vì vậy, người dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp nghiêm túc kiểm tra, xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm.
Cử tri cũng lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra rất khốc liệt, như: hạn hán, xâm mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân và dự báo còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn. Nguy cơ 300.000 ha đất tại đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm mặn và khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu người đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đang hiện hữu.
"Đề nghị Chính phủ có giải pháp cấp bách phòng chống, khắc phục hạn hán, xâm mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra biện pháp căn cơ trong việc quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi; điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích ứng lâu dài và phối hợp với các quốc gia láng giềng cùng ứng phó với biến đổi khí hậu", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Hoàng Thùy