Sáng 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo Quốc hội ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Theo phản ánh, hàng loạt khó khăn đang bủa vây cuộc sống người dân. Giá cả leo thang, nỗi lo tăng học phí, khoản đóng góp đầu năm. Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông (thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội) cũng tạo nên "cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách"...
Vì vậy, cử tri đề xuất Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
"Cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Hội nghị Trung ương 6 đã đồng ý chủ trương và tại kỳ họp này theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ bàn và quyết định điều chỉnh nâng mức lương cơ sở", ông Chiến nói.
Theo Chủ tịch Mặt trận, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cử tri cũng đánh giá cao việc hoàn thiện thể chế, kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây, đặc biệt là với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.
Các vụ án tham nhũng lớn, cả trong Nhà nước và khu vực tư nhân đã được điều tra, truy tố, xét xử. Cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án đều bị xử lý nghiêm, như vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ đưa và nhận hối lộ khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch; vụ án thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật ở một số tập đoàn như Vạn Thịnh Phát...
Dù vậy, người dân chưa hài lòng khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.
Theo Báo cáo về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 4.300 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,6%; song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,3% (với 396 vụ) so với cùng kỳ năm trước.
Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật. Cần có giải pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri đề nghị Nhà nước sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong những dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và công khai kết quả xét xử cho người dân biết, theo dõi, giám sát.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cho biết, cử tri và nhân dân mong muốn các cấp, các ngành nhanh chóng xem xét, xử lý nghiêm hành vi khi người dân đã nộp tiền mua đất, mua nhà ở nhưng chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, chưa được xây nhà ở để ổn định cuộc sống.
"Cử tri cũng kiến nghị xử lý tình trạng dự án đã được giao đất nhưng không triển khai hoặc chậm, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất, các tài nguyên, khoáng sản khác...", ông Chiến nói.
Báo cáo tại Quốc hội trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ hoàn thiện và triển khai chính sách về lao động, tiền lương, trong đó có điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1/7/2023.