Theo số liệu nghiên cứu của IDC, doanh số smartphone quý cuối năm 2022 đạt 300,3 triệu máy. Cả 5 thương hiệu lớn đều đối mặt mức giảm hai con số so với quý IV/2021. Nhu cầu lao dốc trong kỳ mua sắm cuối năm khiến tổng thị trường 2022 giảm 11,3% so với năm 2021. Cả năm ngoái, các hãng điện thoại bán được 1,21 tỷ máy, trong khi năm trước đó là 1,36 tỷ.
Trong quý IV/2022, Apple dẫn đầu với 72,3 triệu điện thoại, chiếm 24,1% thị phần. Samsung đứng thứ hai với 58,2 triệu máy, chiếm 19,4%. Xiaomi ở vị trí thứ ba với 33,2 triệu máy, chiếm 11% nhưng cũng là công ty có mức sụt giảm lớn nhất, lên tới 26,3%.
Tính cả năm 2022, Samsung vẫn là hãng smartphone số một thế giới với 260,9 triệu điện thoại, đạt 21,6% thị phần. Apple và Xiaomi ở hai vị trí tiếp theo với 226,4 và 153,1 triệu máy.
Các thống kê trước đó cũng cho thấy Trung Quốc, thị trường smartphone quan trọng, chưa có tín hiệu khởi sắc. Cả năm 2022 chứng kiến mức giảm 10% so với 2021. "Những cơn gió ngược sẽ vẫn thổi mạnh trong 2023", Will Wong, nhà phân tích của IDC, nhận xét.
Ông Wong giải thích, việc mua smartphone sẽ không phải ưu tiên hàng đầu của người dùng Trung Quốc năm nay. Những người giàu có sẽ chọn đi du lịch nước ngoài do các hạn chế trong đại dịch đã được dỡ bỏ. Trong khi đó, những người khác tìm cách thắt chặt chi tiêu, mua sắm những vật dụng thiết yếu hơn trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu. "Mọi thứ sẽ chỉ tăng trưởng trở lại từ 2024", ông dự đoán.
Theo các chuyên gia IDC, chi tiêu của người dùng giảm và mức lạm phát tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu với thiết bị công nghệ giảm. Người dùng đang giữ thiết bị lâu hơn với chu kỳ thay mới tăng lên khoảng 40 tháng (3,3 năm). IDC cho biết các hãng đang phân chia lại danh mục thiết bị trong khi các kênh bán lẻ sẽ cố gắng phân bổ lượng hàng tồn kho hiện có.