2,5 năm là quãng thời gian một sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân Luật hệ vừa học vừa làm, nhưng cụ ông Ngô Tôn Đức mất gấp đôi quãng thời gian đó để tốt nghiệp. Không phải vì nợ môn, lười học, lý do người đàn ông U80 có thời gian học kéo dài bởi một số giấy tờ minh chứng kết quả học tập trước đây bị mất do không được sao lưu cẩn thận. Đến trường Luật, ông Đức chấp nhận học lại từ đầu với chương trình đào tạo 45 môn, kéo dài 5 năm.
Hơn 40 năm từ khi tốt nghiệp kỹ sư chế tạo máy, lão sinh viên tiếp tục chinh phục tấm bằng đại học thứ ba ở tuổi 73.
Không bao giờ quá muộn để bắt đầu
Ví sự học như máu của mình, trong kháng chiến chống Mỹ, hành trang trong balo người chiến sĩ năm 1945 ngoài súng ống, đạn dược còn có những câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Thời bình, ở tuổi 29, người đàn ông ấy đăng ký thi tuyển ngành Kỹ sư chế tạo máy, Đại học Bách khoa, gấp rút ôn luyện trong 30 ngày.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, khi bạn bè tận hưởng niềm vui tuổi già, cụ ông U80 bớt thời gian nghỉ ngơi để cắp sách đến trường như bao bạn trẻ thuộc thế hệ con cháu mình vì bị "cảm giác thích học, thèm học" thôi thúc.
Đi học khi tuổi cao, người sinh viên già không bao giờ thấy tự ti bởi có "động cơ đến trường chính đáng". Theo ông, học Luật để trang bị kiến thức chính xác cho bản thân, đồng thời giúp đỡ mọi người hiểu và thực hiện đúng pháp luật. Ông không chỉ học cho mình, mà còn học cho những đứa con mất cơ hội đến trường và làm gương cho con cháu.
Ngày đầu nhập học, cụ sinh viên U80 gặp những tình huống "dở khóc, dở cười" khi chuyên viên phòng đào tạo tưởng ông đến đăng ký học cho cháu. Vào lớp, chuyện bạn học nhầm ông là giảng viên hay giáo sư xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Từ một sinh viên bình thường, sau 5 năm, U80 nổi tiếng cả trường, được Hiệu trưởng Đại học Luật khen thưởng vì thành tích học tập tốt.
Ông say sưa nói về lịch trình ngày ôn luyện, tối lên giảng đường, đêm ôn bài đến 1-2h. Người sinh viên già luôn giữ thói quen đọc giáo trình trước khi đến lớp, không ngại đặt câu hỏi với giảng viên. Ông kể: "Khi cần làm tiểu luận, dù đã đi nằm nhưng chợt nghĩ ra vấn đề mới, ông lại bật dậy viết bổ sung vào bài". Những lần bị điểm 6 hay xếp loại C, lão sinh viên cũ trăn trở mất ăn mất ngủ.
Chứng kiến nỗ lực của người học trò già, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết. "Lần đầu tôi thấy một sinh viên nhiệt tình với việc học và trân quý sự học như thế".
Covid-19 ập đến làm nhiều hoạt động bị đình trệ nhưng không khiến hành trình học tập của ông bị gián đoạn. Để đảm bảo việc nộp bài bằng văn bản, lão sinh viên 78 tuổi viết tay tiểu luận dài hàng chục trang, rồi nhờ con cháu đánh máy. Theo đó, mọi người trong nhà có cơ hội học thụ động kiến thức khi giúp ông hoàn thành bài tập. Ông tự hào khi một mình ông đến trường, nhưng cả nhà có cơ hội đi học.
Kết thúc chương trình, tổng kết cuối khóa của người sinh viên 78 tuổi đạt 8,1, điểm thực tập 9,7 xấp xỉ mức tối đa. Kết quả học tập xếp loại giỏi, song, ông vẫn chưa hài lòng bởi còn có thể học tốt hơn.
Ông giải thích, nếu bắt đầu học sớm, thành tích có thể được cải thiện vì tuổi già bộ não tồn tại sức ì. "Bệnh rối loạn chức năng tiền đình khiến tôi khó tập trung. Nhưng mọi khó khăn có thể vượt qua nếu biết cố gắng", ông Ngô Tôn Đức cho biết.
Người sinh viên tiếc nuối vì không bắt đầu sớm, song, không hối tiếc vì chọn đi học. Với ông, không bao giờ muộn để bắt đầu khi vẫn say học, thèm học và khao khát đến trường để tiếp thu tri thức.
Học tập suốt đời
Trong phòng truyền thống Đại học Luật Hà Nội, bên cạnh tấm ảnh của nhiều luật sư nổi tiếng, có hình một sinh viên lớn tuổi, chăm chỉ cần mẫn đến trường. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, hình ảnh về sinh viên Ngô Tôn Đức - người học trò già ham học, luôn cư xử đúng mực, nỗ lực không ngừng đọng mãi trong thầy.
Tốt nghiệp bằng giỏi trường Luật, cử nhân U80 nhận được một số lời mời từ các công ty luật. Tuy nhiên, ông đều từ chối bởi cảm thấy kiến thức của bản thân chưa đủ.
Để tự tin hơn, ông Đức dự định theo học chương trình luật sư, kéo dài hai năm. "Tốt nghiệp trường Luật không phải đích đến, đó là dấu mốc để tôi tiếp tục đến trường", ông nói. U80 tâm niệm, việc học của ông hướng tới bốn mục đích "học để biết, học để làm, học để chung sống và khẳng định mình".
Ngoài đến trường, ông không ngừng tự học bằng cách đọc sách mỗi ngày. Con cháu trong nhà đã thấy quen mắt với hình ảnh người cha, người ông tóc bạc ngồi tập trung lật từng trang sách với ánh mắt đăm chiêu.
Trong những nỗi sợ tuổi già, cụ ông 78 tuổi không sợ quy luật sinh lão bệnh tử, chỉ sợ không được đến trường. Ông động viên các bạn trẻ, hãy không ngừng tự học dù bằng cách nào bởi "biển kiến thức vô tận và một người già như tôi vẫn có thể đi học".
Ông Ngô Tôn Đức là đại diện truyền cảm hứng cho tinh thần "Tiến bước sống đầy cùng niềm hạnh phúc", với niềm đam mê học tập bất tận. Câu chuyện của ông là động lực để mọi người dũng cảm theo đuổi đam mê, thử thách chính mình. Bạn cũng có thể trở thành nhân vật truyền cảm hứng của "Tiến bước sống đầy" bằng cách chia sẻ câu chuyện tại đây. Ngoài phối hợp thực hiện chuyên mục này cùng Báo VnExpress, FWD còn lan tỏa tinh thần ấy qua chuyến xe xuyên Việt tại các tỉnh, thành trên cả nước gồm: Cà Mau ngày 13-14/5; Bạc Liêu 13/5; Cần Thơ 19-20/5; TP HCM 26-27/5; Quảng Nam 2/6; Đà Nẵng 2-3/6; Nghệ An 9-10/6; Hải Phòng 16/6; Quảng Ninh 16-17/6; Hà Nội 23-24/6. Câu chuyện tại các địa phương tiếp tục tiếp thêm động lực giúp mọi người tiến bước và theo đuổi đam mê. |
Hồng Thảo