Ngày 1/3, tại phiên chợ do UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức, bà Ngô Thị Minh Thùy (xã Trà Mai) đã bày bán củ sâm nặng 1,1 kg.
Theo bà Thùy, củ sâm do ông Hồ Văn Hỷ (thôn 4, xã Trà Linh) đào được trong một lần đi rừng trên đỉnh núi Ngọc Linh trước Tết và bán lại cho bà. “Củ sâm ở dưới gốc cây, rễ mọc lên chằng chịt nên quá trình đào bị gãy nhiều đoạn, không còn nguyên vẹn”, bà Thùy cho hay.
Bằng kinh nghiệm, bà Thùy cho rằng củ sâm trên 100 năm. “Hiện có một số nghi ngờ về chất lượng, nhưng nếu ai mua đưa đi kiểm định có phải sâm Ngọc Linh hay không thì tôi sẵn sàng”, chủ sở hữu củ sâm nói.
Sau hơn một ngày bày bán, sáng 2/3 một người mua củ sâm với giá 540 triệu đồng.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, hiện chưa có máy để xác định chất lượng củ sâm này. “Nếu khách hàng đến chợ mua phải sâm giả, huyện sẽ bồi thường”, ông Bửu khẳng định.
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh. Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 30.000 hecta, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.