Giống nhiều người Mỹ, ông Aaron Epstein thường xuyên phải ở trong nhà vì Covid-19 và xem TV nhiều hơn bình thường. Ông thấy chán nản vì tốc độ mạng Internet quá chậm, dù đã liên tục than phiền với nhà mạng suốt nhiều năm. "Xem TV như xem phim quay chậm", Epstein mô tả trải nghiệm xem phim trên mạng của mình.
Khác với nhiều người, ông đã chi hơn 10.000 USD để tìm cách tăng tốc độ truy cập. Ông mua quảng cáo trên Wall Street Journal để gửi thông điệp tới lãnh đạo của AT&T - tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới.
"AT&T tự hào là người dẫn đầu trong ngành điện tử viễn thông. Đáng tiếc họ lại là nỗi thất vọng lớn với những người sống ở Bắc Hollywood", thông điệp quảng cáo được triển khai hôm 3/2 tại thành phố Dallas và New York có đoạn viết. Epstein ký tên là "Khách hàng của AT&T từ năm 1960", kèm theo số điện thoại và địa chỉ email.
"AT&T quảng cáo tốc độ đến 100 MB/giây cho những khu vực khác, trong khi tốc độ cao nhất ở chỗ chúng tôi là 3 MB/giây, còn đối thủ của các vị đã đạt tốc độ hơn 200 MB/giây", ông viết trong đoạn quảng cáo.
Nhiều người ca ngợi cụ ông đã biết cách gây chú ý với AT&T trong khi hãng này đã hứa hẹn về công nghệ cáp quang từ rất lâu. Tuy nhiên, cũng không ít người chỉ trích Epstein đốt tiền để giải quyết vấn đề cá nhân, đồng thời chỉ ra những giải pháp rẻ hơn.
Ông Epstein cho biết mạng Internet của ông khá chậm nhưng vẫn cảm thấy hài lòng cho đến năm 2016. Thời đại streaming bắt đầu và ông ngày càng thất vọng khi phải chờ đợi những bộ phim tải xong trên Roku và Netflix. Ông gọi đến AT&T để yêu cầu đường mạng nhanh hơn. "Vâng, sắp có rồi", ông nói về lời đáp của đại diện hãng. AT&T cho biết dịch vụ cáp quang không được triển khai cho khu nhà của ông.
Ban đầu Epstein gọi đến AT&T vài tháng một lần để tìm giải pháp tăng tốc đường truyền. Tuy nhiên, ông chuyển sang gọi hàng tuần kể từ khi đại dịch bùng phát. Ông thừa nhận có thể chuyển sang nhà mạng khác, nhưng cảm thấy có sự trung thành với AT&T, ngại thay đổi và thích dịch vụ chăm sóc khách hàng của họ.
"Gia đình tôi đã dùng dịch vụ điện thoại của AT&T từ khi tôi sinh ra năm 1930. Mỗi khi tôi phàn nàn về dịch vụ điện thoại hay Internet, nhân viên AT&T luôn lễ phép và đáng tin", Epstein nói.
Ngay trong buổi sáng quảng cáo chạy trên Wall Street Journal, ông nhận được cuộc gọi từ văn phòng CEO của AT&T - John Stankey. Một nhân viên cho biết họ sẽ tìm cách khắc phục. "Tôi chỉ nhún vai vì đã nghe điều đó quá nhiều lần", Epstein nói.
Dù vậy, quảng cáo trên một tờ báo lớn lại mang đến điều khác biệt. Chỉ một ngày sau, hai người mặc đồng phục màu xanh đã xuất hiện trước cửa nhà ông để lắp đặt cáp quang.
Epstein hy vọng đường cáp quang mới sẽ giúp hàng xóm dễ kết nối hơn. Ông cho biết đã nhấn mạnh điều này khi nhận điện thoại từ CEO AT&T, cho biết hãng có thể nhận được "cả triệu lời cảm ơn" nếu khu dân cư nhận được đường mạng nhanh hơn.
"Chúng tôi đã gãi đúng chỗ ngứa", Epstein nói và chỉ ra việc quảng cáo của ông đã gây sốt trên mạng và thu hút nhiều tranh cãi. "Hãy mở công cụ tìm kiếm Google và gõ 'AT&T', '90 tuổi', 'Internet' và từ khóa nào đó như 'mạng chậm'. Bạn sẽ thấy 25 - 40 bài viết xuất hiện trên khắp nước Mỹ".
AT&T xác nhận đã "mở rộng dịch vụ cáp quang ở khu nhà của khách hàng này". "Chúng tôi sẽ làm việc từ nay đến cuối năm để tăng cường kết nối tới các khách hàng khác trong khu vực", tập đoàn cho hay, thêm rằng điều này nằm trong nỗ lực mở rộng dịch vụ cáp quang ở khu vực Los Angeles và hứa hẹn sẽ tiếp cận thêm 2 triệu khu vực dân cư trong năm nay.
Bà Anne Epstein, vợ ông, cho biết bà phải chỉnh sửa ngữ pháp trong bản nháp của chồng, nhưng không phản đối kế hoạch. Bà khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi loạt phim Outlander yêu thích nhờ dịch vụ mạng tốc độ cao vừa được triển khai.
Điệp Anh (Theo Washington Post)