Trưa 5/7, khi nhân viên Bệnh viện Lão khoa TW phát hai suất cơm từ thiện, ông Nguyễn Đức Nhượng (91 tuổi, ngụ Ninh Bình) dựng gối vào tường và nâng bà Tạ Thị Mỹ (86 tuổi) lên. Chị Thơm, con gái của ông bà mở hộp cơm đút cho mẹ, nhưng cụ bà mím môi, ngoảnh mặt đi không ăn.
Ông Nhượng ghé sát vợ dỗ dành, khoe những món ngon rồi giơ thìa cơm trước miệng vợ. "Bà há miệng ra. Được rồi, giỏi lắm", giọng ông nhẹ nhàng. Cứ vậy, được chồng đút vài thìa, cụ bà mới chịu để cho con gái đút.
"Bà ấy giờ tính dở ương, phải được tôi nịnh may ra mới chịu nghe lời một chút", ông Nhượng nói.
Cuộc đời ông Nhượng bất hạnh từ bé. Cha mẹ mất sớm, ông phải bươn trải tự nuôi sống bản thân. Trưởng thành, ông lập gia đình với bà Mỹ và có 6 người con.
Năm 1972, khi mới 35 tuổi, thần trí bà Mỹ đột nhiên không bình thường. Có đêm, bà mở cửa nhà bỏ đi lang thang. Sáng hôm sau ông Nhượng mới phát hiện nên đạp xe đi tìm đến tận Phủ Lý (Hà Nam) cách nhà gần 40 km, mới thấy vợ đang hái hoa, nhổ cỏ ven đường. "Tôi mua cho bà ấy cái bánh mật, dỗ cho ăn một hồi bà ấy chịu lên xe về bệnh viện", ông kể.
Sau đợt đó sức khỏe bà Mỹ ổn định hơn, có thể đi làm đồng ruộng và cùng chồng nuôi đàn con nheo nhóc. Cuộc sống thời đó khó khăn, ngày hè các con đi mò cua, bắt cốc, bà Mỹ đem vào chợ Hoa Lư bán. Ông Nhượng cũng bỏ luôn nghề vận động viên võ thuật, về nhà đan giỏ rồi chở đi giao khắp các tỉnh Nam Định, Thái Bình.
Bệnh của bà Mỹ không hết, mà lúc nặng, lúc nhẹ trong suốt các năm qua. Sau này bà phải dùng thuốc tâm thần hàng ngày. Chính ông Nhượng hàng tháng đi lấy và quản lý số thuốc. Mỗi ngày ông lấy đúng liều lượng đưa vợ để đảm bảo bà không uống quá liều.
"Trong cuộc sống hàng ngày, bố thậm chí không dám nổi nóng vì sợ mẹ phát bệnh", chị Thơm kể.
Chăm chút, chiều chuộng vợ còn hơn trẻ con, song ông Nhượng cho biết những khi lên cơn bà chẳng còn biết ai với ai. Bà từng cầm đá đập ông gãy mấy cái răng cửa. Ông bảo, khi đó còn trẻ nên chịu được chứ gần đây bị vợ đánh ông đau không ngủ được. Có hôm bà đấm ông thâm tím mắt, có đêm bà đạp ông trên giường xuống đất, lại có hôm thụi vào sườn đau hơn một tháng. "Tay bà ấy thường hay nắm chắc rồi bất thình lình thụi tôi, giống như cái lò xo bật rất khỏe", ông kể.
Nhưng bà Mỹ chưa bao giờ thừa nhận đánh chồng, đổ tại ông giả vờ đau hoặc "đứa khác đánh ông chứ không phải tôi". "Nhiều lúc tôi tức lắm nhưng nghĩ đến nghĩa vợ chồng bao năm, bà ấy không may bị vậy lại không giận nữa", ông nói.
Sinh được 6 người con nhưng ba người con trai bị tai nạn và ung thư, lần lượt rời xa bố mẹ vào năm 1996, 2003 và 2017. Ba con gái cũng khó khăn, thu nhập bấp bênh, người góa chồng không con, người làm công nhân, người làm ruộng. Trong đó hai người con gái sống trong miền Nam, chỉ còn chị Thơm sống cạnh bố mẹ đỡ đần sớm hôm.
Nỗi đau này chưa nguôi, nỗi đau khác lại ập tới, khi gần đây con rể út và cháu ngoại (con chị Thơm) bị tai nạn qua đời.
"Chồng chất đau thương nên có lẽ đợt này bà ấy bệnh nặng hơn", ông Nhượng nói. Từ đầu năm nay bà Mỹ hay nói nhảm, bất kể nắng mưa, bà cứ ra vườn nghịch đất đá. Nhiều bữa, ông Nhượng chuẩn bị cơm nước mà bị vợ hất đổ cả. Hồi tháng 5, bà bệnh đến mức nghịch bẩn trong nhà tắm và có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Vợ chồng chị Thơm buộc phải đưa mẹ đi Bệnh viện tâm thần Ninh Bình. Đến nơi cụ bà đập đầu vào tường, quậy phá đòi chồng. "Bố tôi năm nay 91 tuổi, đi viện chăm người bệnh sao được, nhưng mẹ không chịu nên buộc phải đưa cả ông vào", chị Thơm nói.
Do tình trạng tâm thần của bà không bình thường, lúc lại bỏ ăn uống, nên gia đình cứ phải chuyển hết viện này viện khác. Suốt thời gian này, vợ đi đâu, ông Nhượng theo đó.
Đến đầu tháng 6, cụ bà nhập Bệnh viện lão khoa TW. Nghĩ đường xá xa xôi, chi phí tốn kém nên các con động viên bố ở nhà. Nhưng rồi bà Mỹ cắn lưỡi, gào khóc suốt cả buổi đòi chồng bằng được. Nửa đêm, cụ ông lại phải ra quốc lộ đón xe lên Hà Nội gấp.
"Tôi ở nhà cũng không yên tâm. Hơn 40 năm kể từ khi bà ấy phát bệnh, đều một tay tôi chăm chút", cụ ông nói.
Đến nay sau gần một tháng nhập viện, tình trạng của bà Mỹ khá hơn, ăn ngủ được, không còn quậy phá. Dù vậy bà thường thức từ 1h đêm đến sáng, đồng nghĩa gọi hết cả chồng, con dậy chơi với mình.
"Thần trí bà không ổn định vậy mà ông bà tình cảm lắm. Những lúc bà chịu ăn ngoan, chơi ngoan, ông còn ôm hôn bà thưởng cho và gọi anh em tình cảm lắm", một người nhà bệnh nhân ở giường bên cạnh cho biết.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Phi, phụ trách khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện lão khoa TW, cho biết từ y bác sĩ tới người bệnh đều cảm động trước hoàn cảnh gia đình ông Nhượng. "Dù nghèo khổ và trải qua nhiều đau thương, trong gia đình chồng vẫn thương yêu, rất tình cảm với vợ, các con đều có hiếu với bố mẹ", bác sĩ Phi nói.
Bà Mỹ bị tâm thần, suy tim. Ông Nhượng cũng bị cao huyết áp, chân tay yếu do bị gãy mấy năm trước. Hiện ông bà sống tằn tiện trong mức trợ cấp một triệu đồng mỗi tháng của nhà nước. Vì tuổi cao nên ông bà sẽ càng xuất hiện nhiều vấn đề sức khỏe, nhất là bệnh tâm thần của bà Mỹ sẽ không ổn định và tần suất dày hơn.
"Bệnh viện sẽ hỗ trợ ông bà. Chúng tôi cũng mong có thêm sự chung tay của cộng đồng để gia đình bớt đi phần nào đau khổ", bác sĩ Phi cho biết.
Phan Dương