Bất chấp việc hơn một nửa dân số thế giới đang sống trong vòng kiềm tỏa, nCoV vẫn tiếp tục lây lan nhanh chóng với tốc độ đáng báo động tại nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, nơi chiếm khoảng 1/4 số ca nhiễm toàn cầu và số người chết không ngừng tăng vọt.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận hơn 6.000 người chết vì nCoV trong tổng số hơn 245.000 ca nhiễm. Tính đến sáng 3/4, hơn 1.100 trường hợp tử vong được báo cáo trong vòng 24 giờ, con số chưa quốc gia nào từng ghi nhận.
Khoảng 85% người Mỹ đang phải thực hiện các mệnh lệnh về kiểm dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia của Nhà Trắng cảnh báo 100.000 - 240.000 người Mỹ có thể chết vì nCoV, ngay cả với những biện pháp cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) hôm 2/4 yêu cầu quân đội cung cấp 100.000 túi đựng thi thể để chuẩn bị cho tình huống này.
Tại thành phố New York, tâm điểm đại dịch ở Mỹ, Thị trưởng Bill de Blasio kêu gọi cư dân che mặt khi ra đường. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng cho biết chính phủ sẽ công bố khuyến nghị về việc sử dung khẩu trang cho công chúng trong vài ngày tới.
Châu Âu là "điểm nóng" Covid-19 khác bên cạnh Mỹ trong những tuần qua. Tây Ban Nha và Anh hôm 2/4 ghi nhận số người chết kỷ lục trong vòng 24 giờ, lần lượt là 950 và 569. Tổng số ca tử vong vì nCoV tại Italy và Tây Ban Nha cũng chiếm gần một nửa con số của toàn cầu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch tại châu Âu có thể sắp đạt đỉnh. "Theo các dữ liệu, đường cong trên đồ thị đã ổn định và dịch bệnh bước vào giai đoạn chậm lại", Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết.
Covid-19 được cho là chủ yếu ảnh hưởng tới người cao tuổi và những người có bệnh nền, nhưng nhiều ca tử vong gần đây ở lứa tuổi thiếu niên, thậm chí là một em bé 6 tuần tuổi, đã chứng minh căn bệnh nguy hiểm với bất cứ ai.
"Quan niệm rằng Covid-19 chỉ tác động đến người già thực sự sai lầm", Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết hôm 2/4, nói thêm rằng thanh thiếu niên cũng nằm trong số những trường hợp nghiêm trọng, cần chăm sóc đặc biệt, hoặc một số đã tử vong.
Mức độ trầm trọng ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng thúc đẩy chính phủ các nước kiểm soát và xử lý đại dịch mạnh tay hơn. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson, người dương tính với nCoV, tuyên bố "tăng cường xét nghiệm trên diện rộng".
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, người cũng mắc Covid-19, cho biết mục tiêu của họ là thực hiện 100.000 xét nghiệm một ngày trong vài tuần tới. Anh cũng đang gấp rút xây dựng hai bệnh viện dã chiến, có sức chứa hơn 1.500 bệnh nhân.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin kéo dài đợt nghỉ có lương đến hết tháng 4 nhằm ngăn nCoV lây lan, trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này tăng mạnh lên hơn 4.000 và hơn 30 người chết, tập trung ở thủ đô Moskva. Chính phủ đã yêu cầu người dân ở nhà từ ngày 30/3, chỉ ra ngoài khi thực sự cần, đồng thời cấm người nước ngoài nhập cảnh và ngừng tất cả chuyến bay quốc tế.
Thái Lan là quốc gia gần đây nhất áp dụng biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, với lệnh giới nghiêm bắt đầu từ hôm nay. Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, đồng nghĩa với việc kiểm soát 1,3 tỷ dân. "Để ngăn chặn nCoV, hãy tránh xa nhau và ở yên trong nhà", Modi phát biểu hôm 24/3.
Tổn hại về kinh tế do Covid-19 gây ra ngày càng rõ rệt. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tuần trước tăng thêm 6,6 triệu, nâng tổng số người mất việc tại nước này trong hai tuần cuối cùng của tháng 3 lên 10 triệu. Các nhà kinh tế học cảnh báo hậu quả của đại dịch thậm chí sẽ tồi tệ hơn.
"Không có ngôn từ nào để diễn tả tình huống này. Tổng số lần sa thải trong khoảng thời gian giữa tháng 3 và tháng 4 có thể tới 16-20 triệu, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 13-16% trong vòng một tháng", nhà kinh tế học Ian Shepherdson, người sáng lập công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, nhận định.
Công ty xếp hạng tín dụng Fitch dự đoán nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro trong quý này sẽ tụt dốc tới 30%, do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải cắt giảm đầu tư, tình trạng thất nghiệp cũng làm giảm mức chi của người tiêu dùng.
Ngân hàng Phát triển châu Á hôm nay cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 4,1 nghìn tỷ USD do Covid-19, tương đương 5% sản lượng của thế giới. Lãnh đạo các nước đã tung ra những gói hỗ trợ tài chính nhằm đối phó khủng hoảng. Ngân hàng Thế giới hôm qua cũng phê chuẩn kế hoạch cung cấp 160 tỷ USD tiền mặt khẩn cấp trong vòng 15 tháng.
Đại dịch bắt đầu phủ bóng lên cả những quốc gia đang phát triển vốn phải vật lộn vì nghèo đói. Ở phía đông bắc Nigeria, các nhân viên cứu trợ cho biết Covid-19 có thể càn quét những khu trại ngổn ngang của 1,8 triệu người di cư vì mối đe dọa từ nhóm khủng bố Boko Haram.
"Ở đây không có hệ thống y tế nào ngăn chặn được virus. Nó sẽ lây lan như cháy rừng và ảnh hưởng đến tất cả. Điều đó thực sự đáng sợ", một nhân viên giấu tên của Liên Hợp Quốc cho hay.
Ánh Ngọc (Theo AFP)