"Chúng ta chưa đạt đỉnh đại dịch trên toàn thế giới và trong nước. Do đó, tôi quyết định kéo dài ngày không làm việc cho đến hết tháng, tức là tới 30/4. Người lao động phải tiếp tục được trả lương trong những ngày này", Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo trên truyền hình ngày 2/4.
Trước đó, Putin tuyên bố dân Nga được nghỉ việc có lương trong khoảng thời gian 30/3-5/4 để ngăn Covid-19.
Nga ghi nhận hơn 3.500 ca nhiễm nCoV, trong đó 30 người chết và hơn 230 người đã hồi phục. Thủ đô Moskva có số người nhiễm cao nhất Nga với hơn 2.400, tiếp đến là tỉnh Moskva với hơn 170 và thành phố St. Petersburg với hơn 140.
Trong sắc lệnh được ký hôm qua, Putin yêu cầu người đứng đầu các vùng ở Nga phải đưa ra biện pháp hạn chế tùy tình hình trong khu vực mình phụ trách. Putin nói một số địa phương cần áp lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn để ngăn nCoV.
"Các vùng và lãnh đạo sẽ nhận được ủy nhiệm bổ sung theo sắc lệnh của tôi. Trước khi tuần này kết thúc, họ phải xác định nhóm các biện pháp phòng ngừa tối ưu cho địa phương mình theo quan điểm bảo đảm sức khỏe và an toàn cho nhân dân, cũng như sự ổn định của kinh tế và cơ sở quan trọng", Putin nói.
Hơn 12 triệu dân Moskva chịu lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 30/3, chỉ được phép ra khỏi nhà để đi mua nhu yếu phẩm, tìm kiếm trợ giúp y tế khẩn, cho vật nuôi đi dạo hoặc đi đổ rác. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết các biện pháp hạn chế đi lại sẽ được gia hạn, sẽ thảo luận lại việc cấp giấy thông hành để đi quanh thành phố nếu tình hình Covid-19 nghiêm trọng hơn hoặc nhiều người phớt lờ yêu cầu làm việc tại nhà.
Những người Moskva nhiễm nCoV đủ điều kiện sức khỏe từ ngày 2/4 có thể ở nhà, thành viên trong gia đình cũng bị cách ly và phải chấp nhận theo dõi vị trí của họ bằng định vị vệ tinh trên điện thoại di động. Moskva cũng triển khai camera có khả năng nhận mặt để theo dõi những người vi phạm biện pháp phòng chống dịch.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn một triệu ca nhiễm nCoV, hơn 53.000 người chết và hơn 212.000 người đã hồi phục. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha là ba quốc gia có số người nhiễm cao nhất thế giới.
Nguyễn Tiến (Theo TASS)