Lucas Chung, 22 tuổi, tốt nghiệp bằng Khoa học chính trị và Truyền thông tại Mary's College ở California, hồi tháng 5 với điểm trung bình gần tuyệt đối và kinh nghiệm thực tập. Kể từ đó, Chung đã nộp hàng trăm lá đơn xin việc nhưng chưa thành công.
"Ban đầu tôi kỳ vọng khá cao. Nhưng giờ thì tôi tuyệt vọng", Chung nói.
Christian Torres, 24 tuổi, cũng chưa tìm được việc dù tốt nghiệp bằng Kỹ sư tại Đại học bang Arizona hồi đầu năm. Torres nói khó khăn với anh là các vị trí tuyển kỹ sư mới vào nghề cũng yêu cầu 4-5 năm kinh nghiệm.
"Không có cách nào để cạnh tranh nên tôi vẫn ở nhà, vẫn tìm việc", Torres kể.
Trong khi đó, Kyle Ciambrone, 25 tuổi, đã không xin được việc làm như mong muốn dù tốt nghiệp được ba năm. Cử nhân ngành Marketing tại Đại học Monmouth đành phải làm nhân viên giao Pizza và xử lý hàng hoàn trả tại một kho hàng, để kiếm sống.
Theo Washington Post, sinh viên mới ra trường là nhóm khó tìm việc nhất tại Mỹ. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York thống kê tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này hiện ở mức 4,4%, cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung là 3,6%.
Còn báo cáo của Fed New York cho thấy tỷ lệ sinh viên mới tốt nghiệp đang thiếu việc làm hoặc làm những công việc không cần đến bằng đại học đã tăng từ 38% hồi tháng 1 lên 40% vào tháng 8.
![Ảnh minh họa: Unsplash](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/07/annie-spratt-qckxruozjrg-unspl-5011-8805-1701938750.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rNEhElR6B1bKAmK64UIg5w)
Ảnh minh họa: Unsplash
Việc người trẻ khó kiếm việc diễn ra trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng giảm, theo Cục thống kê Lao động Mỹ (BLS). Số việc làm mới trong tháng 10 giảm 700.000 so với tháng trước đó, xuống còn 8,7 triệu. Con số này cũng thấp hơn dự đoán 9,3 triệu việc làm mới của các nhà kinh tế, và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 (8,1 triệu việc làm mới).
Theo các nhà kinh tế, những ngành mà sinh viên có nhu cầu tìm việc cao như tư vấn, tài chính, giải trí đều cắt giảm việc làm hoặc thay đổi kế hoạch tuyển dụng. Chẳng hạn, theo BLS, ngành tài chính và bảo hiểm giảm 168.000 việc làm so với tháng trước; ngành khách sạn và bán lẻ, giảm khoảng 102.000-120.000. Cá biệt có một số lĩnh vực tăng trưởng như Kinh doanh, với hơn 93.000 vị trí mới hay Công nghệ thông tin, thêm 39.000 vị trí.
Tính trung bình, một người lao động có thể ứng tuyển vào 1,3 việc làm mới, thấp hơn mức 1/1,47 của tháng trước và gần bằng mức 1/1,2 trước đại dịch.
Ngoài ra, theo Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại ZipRecbeaner - một ứng dụng tìm việc nổi tiếng, người trẻ còn phải cạnh tranh với những ứng viên mới bị sa thải nhưng có kinh nghiệm thực tế.
Chung hiện chấp nhận làm lễ tân tại một khách sạn với mức lương 19,2 USD (khoảng 465.000 đồng) một giờ và vẫn sống dựa vào bố mẹ. Chung cho biết sẽ tiếp tục xin việc và dự định học thêm ngành Luật.
Còn Ciambrone cảm thấy chán nản vì đã rải đơn đến 50 công việc văn phòng mỗi tuần nhưng vẫn chưa tìm được công việc nào lâu dài.
"Điều đó dường như không còn khả thi nữa", Ciambrone chia sẻ.
Huy Quân (Theo CNBC, Washington Post)