14 năm kể từ ngày bị mắng đó, đến nay chị Phượng, 36 tuổi, đã sở hữu trang trại nuôi dúi quy mô lớn. Trang trại chia làm hai khu riêng biệt, một khu phía sau nhà rộng hơn 100 m2 nuôi gần 200 con từ dúi nhỏ đến dúi bố mẹ để trưng bày và giới thiệu khi khách đến tham quan, học hỏi mô hình. Một khu rộng hơn 200 m2, cách nhà khoảng 300 m, nuôi hơn 200 con dúi sinh sản.
Sinh ra trong gia đình nông dân có ba người con ở xã miền núi Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, năm 2007 chị Phượng thi đậu chuyên ngành Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Yêu thích chăn nuôi, chị thường xuyên tìm hiểu, làm quen nhiều chủ trang trại. Một người đã cho chị mượn khu đất để thử nghiệm nuôi dúi.
Là loài gặm nhấm, dúi ăn đêm ngủ ngày, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn chỉ là thân cây, củ các loại. Con trưởng thành nặng 0,7-2 kg, thịt thơm ngon. Muốn nuôi dúi, người dân cần xin phép kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật.
Tìm hiểu về con dúi, năm 2008, chị Phượng quyết định dành 15 triệu đồng bố mẹ cho mua máy tính để ra Thái Nguyên mua 10 cặp dúi. Với một sinh viên, đó là số tiền khá lớn. Nhưng do vận chuyển bằng xe khách, về đến nơi dúi chết mất 9 cặp.
Đón nhận thất bại ngay từ khi khởi nghiệp, chị Phượng không bỏ cuộc. Ngày lên giảng đường học bài, đêm chị lên mạng tìm hiểu, mua thêm con giống về nuôi với mơ ước mở trang trại dúi.
Tốt nghiệp đại học năm 2011, trong khi bạn bè chọn ở lại thành phố tìm việc, chị về quê thuê đất mở trang trại nuôi dúi. Nghe con gái trình bày ý tưởng, bố mẹ chị phản đối, nói cho con ăn học để thoát khỏi cảnh làm nông, hỗ trợ nuôi hai em học hành, đằng này về quê chăn nuôi, chẳng khác nào "đốt tiền" của ông bà.
Chị Phượng kiên trì giải thích dúi dễ nuôi, thức ăn sẵn có nên quyết tâm làm. Trang trại nhỏ được dựng lên, chị vay mượn người thân một cây vàng đem bán lấy tiền mua 35 con giống. Thời gian đầu dúi chết rải rác, lỗ vài chục triệu đồng. Vừa làm, chị vừa học hỏi, dần dần rút được kinh nghiệm thiết kế chuồng trại ấm vào mùa lạnh, mát vào mùa nắng để tránh vật nuôi bị mắc bệnh.
Dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, được 6-7 con. Sau ba năm, chị Phượng sở hữu trang trại dúi với 100 con sinh sản, mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn con dúi giống lẫn thịt. Chị liên kết thêm nhiều hộ chăn nuôi khác để mở rộng mô hình, cung cấp con giống và đảm bảo thu mua thương phẩm cho người nuôi.
"Ba năm đầu thử nghiệm nuôi và nhân giống, tôi trải qua không biết bao nhiêu lần đứng ngồi không yên vì dúi chết không rõ nguyên nhân, có lúc tưởng chừng đứt gánh giữa đường", chị kể.
Hiện chị Phượng chủ yếu nuôi dúi giống sinh sản, còn dúi thương phẩm thu mua trong chuỗi liên kết gần 50 hộ dân đưa đi tiêu thụ. Chị hoàn toàn sử dụng thức ăn tự nhiên như tre, mía, cỏ voi, khoai lang, cây sắn. "Cách nuôi này mất thời gian, song chất lượng thịt ngon hơn nuôi bột công nghiệp. Sản phẩm mình làm ra đem bán thấy tự tin về chất lượng, được nhiều nơi ưa chuộng", chị nói.
Bình quân mỗi tháng chị Phượng bán 500-700 con dúi thương phẩm, thị trường chủ yếu các tỉnh phía Nam, giá dao động 550.000-650.000 đồng/kg. Dúi giống khoảng 300 con, giá 0,8-3 triệu đồng một cặp. Khách mua giống được chị bảo hành 10 ngày, nếu gặp rủi ro sẽ hỗ trợ.
Mỗi năm nuôi dúi giống và bao tiêu sản phẩm, chị Phượng thu về gần một tỷ đồng, trừ các chi phí lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Chị xây dựng khu riêng nhằm giới thiệu và hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật nuôi dúi thuần tự nhiên. "Với khách hàng, tôi không ngần ngại chia sẻ về những lần thất bại, luôn khuyên họ phải biết trước điều này và dám vượt qua", chị Phượng kể.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm với 4-5 lần suýt sạt nghiệp, chị bảo không hối tiếc. Khởi nghiệp bận rộn, lo tính toán đầu vào, đầu ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm và suốt ngày gắn bó với chuồng trại, nhưng chị thấy vui vì được làm chủ trên quê hương mình, được thỏa đam mê chăn nuôi. "Tôi dự tính mở rộng chuỗi liên kết và kinh doanh dúi thương phẩm sạch. Thịt dúi sẽ đi vào các cửa hàng, siêu thị", bà mẹ ba con chia sẻ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Phú Ninh Trịnh Ngọc An đánh giá chị Phượng rất quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề nuôi dúi. Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa phương. Phòng đã làm việc với chị Phượng để xây dựng chuỗi liên kết với người dân, phát triển mô hình nuôi dúi.