Xung quanh câu chuyện "Bỏ việc văn phòng, hai cử nhân đi bán gỏi ốc", có ý kiến cho rằng sự lựa chọn này của các bạn trẻ có thể đáp ứng thu nhập trước mắt những cũng dập tắt nhiều cơ hội trong tương lai:
Kiểm toán là ngành hot, cộng thêm việc đã tốn công sức học tập, công tác bao nhiêu năm rồi bỏ ngang (ra bán ốc) là lãng phí công sức trí tuệ xã hội và thất thoát nguồn lao động chất xám cao. Bán ốc hay bán vàng không phải ở chỗ phân biệt sang hèn. Nếu muốn bán ốc thì nên xác định từ đầu, không cần lãng phí công cha sức mẹ mấy năm nuôi dưỡng học đại học, xã hội mất đi nguồn lực lao động tương xứng với vị trí và năng lực được đào tạo vốn có.
Người học đại học có thể bỏ ngang đi bán ốc nhưng bà bán ốc không thể bỏ ngang để sang làm kiểm toán được. Dù là quyền tự do và đam mê riêng của mỗi người, nhưng khách quan từ góc nhìn đa phương thì thiệt thòi nhiều hơn cho xã hội. Người lao động ít học vốn bán ốc xưa nay giờ bị cạnh tranh, doanh nghiệp kiểm toán cần nhân sự cấp cao thì thiếu hụt.
Tôi thấy hơi phí phạm. Phấn đấu như thế giờ bỏ giữa chừng ra kinh doanh. Mà kinh doanh cũng mệt mỏi lắm, lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Theo tôi, việc này buồn hơn là vui. Đây chính là tư duy của người Việt Nam chúng ta là làm ăn nhỏ lẻ, chỉ nhìn cái lợi trước mắt, không có tính lâu dài, lấy sự chăm chỉ, chịu khó làm lợi thế. Tại sao không phấn đấu vươn lên để đạt vị trí cao trong nghề nghiệp mình được đào tạo hoặc những nghề tương đương hoặc mở công ty riêng? Đây chính là sự thất bại trong phát triển nghề nghiệp và sự thụt lùi phát triển xã hội. Đây chính là nguyên nhân Việt Nam chúng ta không phát triển như các nước khác khi chúng ta chỉ loanh quanh tư duy kinh doanh buôn bán mà không chịu khó suy nghĩ làm ra sản phẩm có tỷ lệ chất xám cao.
Bạn gái tôi mới làm kế toán tổng hợp cho một công ty lớn đã thấy cày mấy tháng nay, ngày làm mười mấy tiếng cho kịp tiến độ. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng cô ấy vẫn quyết tâm theo nghề và bước đầu về tài chính đã thấy xán lạn. Khoảng 3 năm nữa thì cô ấy sẽ gọi là hài lòng về tài chính. Nói chung về sự nghiệp làm gì không quan trọng, chủ yếu bạn đủ yêu nghề và đủ kiến thức kinh nghiệm để đi theo nghề hay không? Nhiều bạn trẻ nhìn cái thu nhập trước mắt, cái nhàn khi còn trẻ chỉ vì thiếu tầm nhìn mà chọn việc sống qua ngày, nhưng đó cũng chính là thứ giết chết nhiều cơ hội ở tương lai.
Làm ra một cái ôtô rất khó, nhưng người Nhật họ dám nghĩ dám làm, làm ra thì họ toàn bán sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Những người châu lục khác họ nhìn Nhật phải nể. Làm mấy quán nhỏ nhỏ thì đủ ăn, chơi chơi thôi chứ thực ra nói về cạnh tranh với nước khác thì không ăn thua.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.