Sáng 14/8, Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng đọc tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thời bình quá rộng, gồm: học sinh, sinh viên các trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.
Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân phát triển rất đa dạng, số công dân tham gia học tập ngày càng tăng. Vì thế, số người được tạm hoãn gọi nhập ngũ chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt. Công dân tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học vào phục vụ trong quân đội hiện không nhiều.
Chính vì vậy, dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh phổ thông, sinh viên đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Công dân đang học chương trình đào tạo đại học được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ. Công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để tiếp tục học tập sau khi hoàn thành nghĩa vụ.
Đồng tình với dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, cần tuyển nguồn thanh niên đã được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng vào thực hiện nghĩa vụ tại ngũ. Bởi lực lượng này có thể được sử dụng ngay vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, mỗi công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. "Nghĩa vụ quân sự là khái niệm rất rộng, bao hàm cả việc rèn luyện con người qua gian lao khổ hạnh để trưởng thành. Nghĩa vụ quân sự không phải để đánh nhau mà là để chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài việc mở rộng diện tham gia nghĩa vụ quân sự, Chính phủ cũng đề xuất tăng thời gian tại ngũ lên 24 tháng. Đại tướng Phùng Quang Thanh giải thích, luật hiện hành quy định thời hạn tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng. Tuy nhiên, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không Không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, thời hạn phục vụ nói trên không đủ để huấn luyện chương trình, giáo dục chính trị, kỹ thuật, chiến thuật, cũng như kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.
Bên cạnh đó, quân đội còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao như: cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dân vận.... Việc này đã ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
"Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, việc thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng, không phân biệt hạ sĩ quan và binh sĩ với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là cần thiết", tướng Thanh nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình cần sửa luật theo hướng xây dựng quân đội thời bình, nâng thời gian nhập ngũ lên 24 tháng để đảm bảo chất lượng huấn luyện.
Chiều 14/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hoàng Thùy