2017 được xem là năm khó khăn của Apple ở mảng máy tính, khi doanh số máy Mac đi xuống. Khách hàng chủ yếu không hài lòng với thiết kế lẫn hiệu suất của loạt sản phẩm như MacBook, Mac mini, Mac Pro... Nhưng 5 năm sau, doanh số sản phẩm cải thiện đáng kể nhờ sự liều lĩnh của hãng ở mảng vi xử lý máy tính. Dưới sự dẫn dắt của Phó chủ tịch cấp cao Johny Srouji, Apple mạnh dạn từ bỏ Intel - đối tác cung cấp chip máy tính hơn 15 năm cho hãng - để chuyển sang chip M tự sản xuất.
Ván cược lớn
Năm 2020, Apple quyết định chia tay Intel. Khi đó, việc ngừng hợp tác với một nhà cung cấp quan trọng và có bề dày lịch sử bị các chuyên gia đánh giá là điên rồ, đồng thời dự đoán Apple sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chip M ra đời trong sự hoài nghi, nhất là khi Covid-19 bắt đầu hoành hành.
Để sử dụng chip M, Apple phải viết lại các chương trình phần cứng. Srouji, người đã làm việc tại Apple 14 năm và xây dựng đội ngũ của ông từ 45 người lên hàng nghìn người, vẫn cảm thấy sự khó khăn đang đợi mình phía trước.
"Điều tôi học được trong cuộc sống là: Bạn cần suy nghĩ thông suốt những điều bạn có thể kiểm soát, sau đó linh hoạt, thích ứng và đủ mạnh mẽ để điều hướng khi mọi thứ không theo kế hoạch. Ví dụ như Covid-19", ông nói với WSJ.
Gia nhập Apple năm 2008, Srouji, 57 tuổi, ban đầu phát triển chip cho iPhone. Khác với những người trước, ông tiếp cận việc thiết kế chip theo nhu cầu cụ thể. Điều này giúp chip A ra đời năm 2010 đạt ưu thế về sự mạnh mẽ, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hơn so với một sản phẩm từ nhà cung cấp bên thứ ba.
"Thoạt đầu, việc Apple từ bỏ Intel có vẻ điên rồ. Nhưng theo thời gian, hành động này đã cho thấy sự đúng đắn", Mike Demler, nhà phân tích độc lập về bán dẫn, nhận xét.
Trở lại năm 2017, khi Apple vẫn gặt hái thành công với iPhone và Apple Watch, công ty liên tục vấp phải phản ứng dữ dội từ khách hàng, những người cho rằng công ty Mỹ không chịu đổi mới. Áp lực từ dư luậnlớn đến nỗi, các giám đốc cấp cao của công ty phải triệu tập một hội nghị bất thường và làm một việc mà hãng rất ít khi làm: xin lỗi công khai về thiếu sót trong các máy Mac cao cấp, đồng thời hứa hẹn sửa đổi.
Sau sự cố máy tính để bàn Mac, Apple tiếp tục bị chỉ trích vì MacBook chạy chip Intel có hiệu suất đáng thất vọng, gồm cả sức mạnh tính toán bị hạn chế để tránh thiết bị quá nóng. "Nó tệ một cách bất thường", François Piednoël, cựu kỹ sư Intel, nói với PC Gamer khi đó. "Một số kiến trúc chip khiến thiết bị hoạt động thực sự tồi tệ. Rất nhiều lỗi được tìm thấy".
Theo các chuyên gia trong ngành, bước đi sai lầm của Intel trên chip của mình đã buộc Apple phải thay đổi. "Tốc độ đổi mới của Intel đã chậm lại đáng kể, khiến chất lượng bị ảnh hưởng", một nhà phân tích nói.
Những khó khăn
Quyết định chuyển từ chip Intel sang sản phẩm "cây nhà lá vườn" khiến đội ngũ kỹ sư Apple - những người đã quen với việc tối ưu chip Intel cho máy Mac - cảm thấy đau đầu. Các lập trình viên phải viết lại phần mềm để có thể hoạt động trên cả chip cũ lẫn chip mới - điều từng xảy ra một lần năm 2006 khi Apple chuyển từ chip Intel sang hệ thống có tên PowerPC. "Nhiều người lo chúng tôi phạm sai lầm quá khứ", một người giấu tên tham gia dự án chip M của Apple nói.
Srouji cũng thừa nhận, chiến lược mới vấp phải cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ công ty. Nếu một bước sai lầm xảy ra, hậu quả sẽ rất lớn, gồm việc tốn kém về tiền của và tạo tiếng xấu cho Apple ở mảng máy tính.
Một trong những thách thức lớn nhất mà nhóm của Srouji phải đối mặt là cung cấp chip phù hợp với đa dạng danh mục sản phẩm Apple, từ MacBook Air giá 999 USD cho đến những mẫu PC hàng nghìn USD. Họ cần thiết kế chip sao cho hiệu quả nhất nhưng vẫn phù hợp với số đông người dùng.
Vấn đề tiếp theo nhóm nghiên cứu đưa ra là đảm bảo tính lâu dài cho các dòng chip. Họ cần tính toán để xây dựng chip mới mạnh hơn theo thời gian, đồng thời quá trình tạo ra chúng phải dễ dàng. "Chúng tôi không tính bằng ngày, mà từ năm này qua năm khác. Đó là nỗ lực rất lớn", Srouji chia sẻ.
Theo đánh giá của một cựu giám đốc Apple, Srouji đã trở thành trung tâm trong quá trình phát triển mảng bán dẫn của Apple những năm qua. Sức ảnh hưởng của ông lặng lẽ tăng lên. Kể từ 2015, ông là một trong số ít những giám đốc báo cáo trực tiếp cho CEO Tim Cook.
Đối với các đối tác bên thứ ba, Srouji được biết đến là người luôn tỏ quan điểm cứng rắn. Các cuộc họp của ông tập trung vào các vấn đề chứ không phải hướng đến kết quả lập tức. "Ông ấy chỉ quan tâm thứ tốt nhất", Aart de Geus, CEO của một đối tác Apple, nói.
Srouji không phải là mẫu người thích trì hoãn. Ngay cả trong đại dịch, ông luôn thúc đẩy kỹ sư tập trung cho các quy trình thử nghiệm mới. Nhóm đã thiết lập camera khắp các phòng thí nghiệm để có thể kiểm tra chip từ xa - điều mà một công ty ưu tiên sự bí mật như Apple không khuyến khích.
Hái quả ngọt
Tháng 11/2020, Srouji về lên sân khấu để giới thiệu chip M1 với 16 tỷ bóng bán dẫn thông qua sự kiện trực tuyến của Apple. "M1 là chip đột phá dành cho Mac", ông nói.
Những máy tính đầu tiên sử dụng chip M1 là MacBook Air và Mac Mini được bán ra ngay sau đó. Trong năm tiếp theo, hãng tiếp tục cải tiến chip để cho ra M1 Pro và M1 Max. Gần đây nhất, chip M1 Ultra đã được giới thiệu vào tháng 3, trên mẫu máy MacStudio mạnh mẽ. Chip này có 114 tỷ bóng bán dẫn cùng bộ xử lý đồ hoạ lớn gấp 8 lần M1 đời đầu.
Theo thống kê của Gartner quý I/2022, Apple đã xuất xưởng khoảng 7 triệu máy Mac, tăng 8,6% so với 6,5 triệu máy cùng kỳ năm ngoái. Apple cùng với Asus và Dell là ba hãng tăng trưởng trong giai đoạn này, trong khi Lenovo và HP đều giảm trên 10%. Kết quả này càng ấn tượng khi các model của Apple luôn có giá nghìn USD và cao hơn so với các hãng khác.
"Chip M giúp mảng máy tính của Apple như phượng hoàng trỗi dậy từ đống tro tàn. Các sản phẩm chạy chip này ngày càng được đánh giá cao về hiệu suất và thời lượng pin", Techradar bình luận.
Hiện M1 Ultra mới ra mắt được xem là mảnh ghép cuối cùng của Apple trong việc tự chủ chip để trang bị cho sản phẩm của mình thay vì phụ thuộc đối tác. Với sự đón nhận ngày càng tích cực, Apple đã có tiếng nói mạnh mẽ trên mảng chip cho máy tính.
Bảo Lâm (theo WSJ)