![]() |
Anh Lợi bên chiếc xe mới mua. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Dân huyện Thốt Nốt, Cần Thơ xôn xao kháo nhau cách đây vài tháng, có ba anh nông dân, người mặc quần cộc, kẻ mặc áo thun rách rủ nhau xuống trung tâm thành phố Cần Thơ mua... xe hơi. Nhân viên showroom thấy khách ăn mặc lôi thôi lếch thếch chỉ hờ hững ậm ừ: “Các anh muốn mua xe trả góp hả?”. Ba ông nông dân chạm tự ái, ném cái nhìn bực tức vào người nhân viên: “Tụi này trả tiền mặt”. Nói đoạn ba vị khách liền móc tiền đặt cọc, mua ngay ba chiếc màu đen tuyền.
Ba anh nông dân đó là Phạm Văn Phương, Trần Ngọc Lợi và một người tên Đang. Anh Phương kể sáng hôm đó ba anh em ngồi uống cà phê tán dóc bên lề đường ở huyện Thốt Nốt. Chuyện cà kê một hồi tới chuyện xe hơi. Đang bảo hay là xuống Cần Thơ mua mấy chiếc về chạy chơi, cả nhóm “OK”. Đến cửa hàng, đặt cọc mỗi chiếc 3.000 USD rồi mà chủ tiệm còn chưa tin, cứ điện thoại hỏi tới hỏi lui: “Có lấy xe thiệt không?”.
Nhưng khổ nỗi vì cù lao nằm thoi loi giữa sông Hậu, qua lại bằng chiếc trẹt (ghe) nhỏ xíu nên xe mua về phải thuê chỗ gửi bên đất liền, tốn 200.000 đồng/tháng. Khổ thứ hai là không ai biết chạy xe, cũng chưa có bằng lái nên phải thuê tài xế. “Tui đang đi học lấy bằng lái ôtô. Nói cho nghe, 90% đàn ông trên cù lao này sắp tới có bằng lái ôtô hết đó”, Phương hào hứng. Sau ba ông nông dân “tiên phong”, giờ hàng loạt ông khác cũng “dắt” xe về: Trần Phước Đời (xe Ford), Út Ba (Camry), Sáu Hò (Innova).
Thậm chí một số người đang làm ăn trên cù lao này còn mua cả Land Cruiser, Camry 2.7 đời 2007 giá 61.000 USD, cá biệt có người còn tậu luôn cả xe Lexus giá 135.000 USD. Có xe rồi các lão nông tri điền không biết chạy đi đâu chơi, ngoài một số địa phương từng ao ước một lần đến trong đời: Đà Lạt, Vũng Tàu, mũi Cà Mau. Như anh Phương, mua xe sáu tháng chỉ mới chạy được 10.000 km, còn anh Lợi thì đồng hồ xe chỉ dừng lại ở con số 9.000 km. Phó chủ tịch xã Tân Lập Phạm Văn My xác nhận dân cù lao mua xe hơi đến giờ cũng không biết bao nhiêu chiếc mà kể.
Mỗi năm kiếm vài ba tỷ
Nhìn từ trên cao, cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) giống như một bãi chiến trường sau một trận giội bom. Từng hố sâu chi chít rải đều quanh cồn. Đó là các ao nuôi cá tra. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra thịt trên thị trường tiếp tục tăng và hiện tại là 15.300 đồng/kg, mức khá cao và ai nuôi cá cũng trúng mỗi ký khoảng 5.000 đồng. Không giống những vùng đất khác nằm cặp sông Hậu, cù lao Tân Lộc được thiên nhiên ưu đãi cho lợi thế nguồn nước sạch giữa sông, đất đai biệt lập rất thích hợp cho cá tra phát triển, không bệnh nhiều mà năng suất lại cao.
Phương trước đây là nông dân nghèo từ Cà Mau lên buôn bán đường dài, sau đó mở lò đường, rồi làm đường thất bát nên chuyển sang làm vườn và tập nuôi cá tra hầm cách nay mười năm. Từ một vài ao ban đầu, anh tích cóp mở rộng diện tích và hiện trên cù lao này anh có chín ao với diện tích 60.000m2, nuôi gần 3 triệu con. Cứ mỗi trên 20 ngày anh xuất 200-300 tấn cá. Năm 2006 Phương xuất 4.000 tấn cá thịt, trừ hết chi phí còn lãi trên 4 tỷ đồng. “Vậy mà cỡ tôi chỉ là hạng trung bình, nhiều người lãi đến 50 tỷ đồng/năm”, anh nói.
Cũng giống như anh Phương, anh Trần Ngọc Lợi từng mở lò đường rồi trồng nhãn, cuối cùng nuôi cá. Năm 2006 anh lãi trên 3 tỷ đồng. Còn Út Ba, năm nay mới 37 tuổi nhưng đã trở thành một trong những tỉ phú lừng lẫy ở cù lao cứ hai tháng anh rót vào túi trên 1 tỷ đồng tiền lãi. Cái cảnh hai vợ chồng hái rau nhút đội ra chợ bán ngày nào đã lùi vào quá khứ.
(Theo Tuổi Trẻ)