Đặc thù của giao dịch ngành bất động sản thường diễn ra theo phương thức truyền thống, vì mặt hàng có giá trị lớn, cần sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Bên cạnh đó, yêu cầu khắt khe về mặt pháp lý, giấy tờ, thủ tục càng khiến cho việc triển khai giao dịch số càng trở nên khó khăn.
Theo đại diện Batdongsan, từ 2020, các trải nghiệm mua nhà đã bắt đầu tiến vào số hoá. Đặc biệt, dưới bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu dịch chuyển từ phương thức kinh doanh truyền thống sang mô hình số hoá tăng cao, đáp ứng hai nhu cầu, một là lượng người đầu tư vào bất động sản tăng mạnh.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh (tăng 44,8%), buộc doanh nghiệp bất động sản cũng phải thay đổi cơ cấu vận hành để đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của thị trường. Bối cảnh dịch bệnh, giãn cách cũng đặt ra nhu cầu xây dựng tính minh bạch trong quy trình dịch vụ, rút ngắn thủ tục, tối ưu chi phí quản lý và vận hành... để đáp ứng trải nghiệm trực tuyến của người dùng.
Nhu cầu ngành bất động sản tăng cao và ngày càng đa dạng, đòi hỏi doanh nghiệp bất động sản phải chú trọng đầu tư vào công nghệ để thời gian thay đổi là ngắn nhất, quy mô thay đổi là toàn diện nhất, từ đó tạo ra giá trị tốt nhất cho cả doanh nghiệp bất động sản và người mua.
Ngành bất động sản và xây dựng tại Việt Nam đã có bước chuyển đổi số nhưng còn tương đối chậm so với các ngành khác. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ứng dụng công nghệ hay chuyển đổi số vào ngành bất động sản tại Việt Nam còn khá mông lung. Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chỉ thực hiện được một phần nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, mức độ áp dụng công nghệ chỉ ở mức 37%. Thậm chí có một vài doanh nghiệp còn bỏ cuộc do chuyển đổi số thất bại nhiều lần.
Các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đều nhận thấy rõ vị thế quan trọng của chuyển đổi số cũng như giá trị mà chuyển đổi số mang lại, nhưng mức độ triển khai chuyển đổi số thấp hoặc có triển khai nhưng thất bại nhiều lần.
Có hai nguyên nhân lý giải cho việc này, một là vì quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều rào cản, thách thức từ đặc thù ngành. Trong đó, việc phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và quản trị khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại trong việc đầu tư vào công nghệ số. Hai là việc tìm kiếm một đối tác chiến lược triển khai chuyển đổi số lành nghề, thiện chiến phù hợp, đủ am hiểu về đặc thù ngành, sẵn sàng về mặt công nghệ để quy trình chuyển đổi số "thần tốc", toàn diện nhất với kinh phí hiệu quả.
Áp lực số hoá có thể sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để bứt phá thích nghi với hoàn cảnh kinh doanh mới. Theo các chuyên gia tài chính, đầu tư phát triển bất động sản - xây dựng được xem là nhóm ngành phức tạp với nhiều quy trình vận hành quản lý; các hạng mục xây dựng chi tiết, hợp đồng liên quan, dòng tiền, chi phí, thời gian thi công, bán hàng và kinh doanh... Theo đó, việc áp dụng công nghệ tốt nhất phải toàn diện và quy mô từ khâu xây dựng, hạ tầng, cho đến khâu tiếp thị, bán hàng cho đến vận hành hệ thống.
Áp dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý và kinh doanh hiệu quả trở thành chiến lược tiên quyết của nhiều doanh nghiệp với hệ sinh thái ổn định và tiềm lực tài chính lớn. Điển hình như Đất Xanh Group và FPT khi bắt tay ký kết thực hiện chuyển đổi số toàn diện, dự kiến kiện toàn hệ sinh thái gần 90 công ty thành viên thuộc Đất Xanh Group.
Sự kiện ký kết "Khát vọng hùng cường - Vững bước tương lai" bắt tay triển khai công cuộc chuyển đổi số toàn diện giữa Đất Xanh Group và FPT diễn ra vào ngày 30/12 tới.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho biết: "Tôi kỳ vọng vào sự hợp tác giữa Tập đoàn Đất Xanh và FPT trong công cuộc chuyển đổi số mà tôi cho là toàn diện và quy mô nhất. Công nghệ vẫn luôn là chìa khóa quyết định cho mọi cuộc chuyển mình quan trọng của các doanh nghiệp trong thời đại 4.0".
Phong Vân