Chung cư The Morning Star do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hồng Hà làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên Quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM, được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2011 và đến nay, cư dân đã đóng đủ quỹ bảo trì trị giá 2% giá trị mỗi căn hộ. Đến nay chung cư đã hơn 5 năm sử dụng nhưng người mua nhà cho biết doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ bàn giao toàn bộ quỹ bảo trì cho cư dân quản lý.
Theo ước tính của các hộ dân, hiện Công ty Hồng Hà còn giữ của cư dân The Morning Star hơn 10 tỷ đồng quỹ bảo trì, chưa kể lãi suất hàng năm và các khoản nợ khác. Mặc dù Ban quản trị đã thay mặt cư dân nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao số tiền này để sửa chữa, bảo trì chung cư nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ.
Cộng đồng cư dân nơi đây cũng đã khiếu nại vấn đề này đến các cơ quan chức năng: Sở Xây dựng TP HCM, chính quyền địa phương các cấp (phường, quận) để có biện pháp chế tài đối với Công ty Hồng Hà, song sự việc vẫn dừng lại ở các phản hồi văn bản, chưa có chế tài và xử lý.
Theo Luật Nhà ở sửa đổi và Thông tư 02 về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành, chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng khoản tiền phí bảo trì (bảo dưỡng tòa nhà sau khi hết thời gian bảo hành) trị giá 2% giá trị căn hộ. Khoản phí này được thu trước khi khách hàng nhận nhà. Chủ đầu tư quản lý quỹ bảo trì cho đến khi đã bầu ra ban quản trị, doanh nghiệp phải bàn giao quỹ cho đại diện của cư dân quản lý.
Trao đổi với VnExpress, đại diện ban quản trị chung cư The Morning Star cho biết, Công ty Hồng Hà chỉ tạm ứng nhỏ giọt quỹ bảo trì khi bị cư dân đấu tranh quyết liệt. Cụ thể, ngày 1/12/2014 chủ đầu tư tạm ứng đợt đầu là 3 tỷ đồng quỹ bảo trì. Đợt tạm ứng thứ hai vào ngày 29/12/2014 nhưng chỉ trả một tỷ đồng. Đợt tạm ứng thứ ba là vào cuối năm 2015 nhưng số tiền khi đó chỉ ở mức 142 triệu đồng. Như vậy, sau 3 đợt, chủ đầu tư mới trả 4,14 tỷ đồng quỹ bảo trì cho cư dân, số tiền còn lại doanh nghiệp chưa trả ước tính hơn 10 tỷ đồng.
Theo vị đại diện này, hiện nay chung cư đã có một số hạng mục xuống cấp, cần nguồn tiền từ quỹ bảo trì để làm kinh phí sửa chữa như: sàn hồ bơi bong tróc, sân và nền trong khuôn viên chung cư bị lún, tường thấm dột, nứt, thang máy... Thời hạn bảo hành phần kết cấu của tòa nhà cũng không còn dài, theo quy định đến tháng 11/2016 hết hạn. "Chủ đầu tư đang giam quỹ bảo trì của chung cư một cách trái phép", bà nói.
Trong các biên bản làm việc với chính quyền địa phương có đại diện Công ty Hồng Hà tham dự về việc xử lý những tồn tại ở chung cư The Morning Star, phía chủ đầu tư một mặt thống nhất sẽ bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị. Mặt khác, doanh nghiệp viện lý do chưa bàn giao tiền vì việc quản lý quỹ của Ban quản trị chưa chặt chẽ.
Liên quan đến hành trình nhiều năm đòi quỹ bảo trì của cư dân chung cư The Morning Star (phường 26, quận Bình Thạnh), Sở Xây dựng TP HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu Công ty Hồng Hà chuyển giao số tiền hơn 10 tỷ đồng cùng lãi phát sinh cho Ban quản trị chung cư. Thế nhưng, sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ và hiện nay đơn cầu cứu của cư dân đã chuyển lên cấp UBND thành phố.
Thực trạng các chủ đầu tư chung cư trì hoãn bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân diễn ra khá phổ biến tại TP HCM và đến nay chưa có trường hợp nào được cơ quan chức năng chế tài, xử lý triệt để. Gần đây nhất, là vụ ồn ào cư dân Harmona đòi chủ đầu tư bàn giao khoản quỹ bảo trì lên đến gần 20 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress cuối tháng 8/2016, Trưởng ban Quản trị chung cư The Harmona (quận Tân Bình), Bùi Hữu Thuận cho hay, từ tháng 3/2016 đến nay, mặc dù đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng đều không được phản hồi. Thời gian qua, ban quản trị đã có công văn gửi đến UBND phường, quận và cấp thành phố để phản ánh tình trạng chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì theo đúng quy định pháp luật, nhưng sự việc chưa được giải quyết. Số tiền quỹ bảo trì chủ đầu tư Tamexim đang tạm giữ của cư dân chung cư này ước tính khoảng 17 tỷ đồng.
Tại buổi tọa đàm Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư diễn ra ở TP HCM cuối tháng 6/2016, Cục phó Cục quản lý nhà Bộ Xây dựng, Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, phí bảo trì là tiền của cư dân đóng phục vụ cho việc bảo dưỡng công trình sau khi hết thời hạn bảo hành. Việc thu quỹ bảo trì trước hay sau có thể tùy thuộc vào thời điểm dự án bàn giao các quy định về quỹ bảo trì đã ra đời hay chưa.
Ông Khởi cho rằng trên thị trường vẫn có rất nhiều chủ đầu tư làm ăn uy tín, tuân thủ nghiêm túc các quy định về việc thu, quản lý và bàn giao quỹ bảo trì. Ông cũng thừa nhận có không ít chủ đầu tư chỉ làm một dự án xong là "biến" và có trường hợp doanh nghiệp lạm dụng quỹ bảo trì vào việc riêng. Vị lãnh đạo Cục quản lý nhà cho hay, việc bàn giao quỹ bảo trì nếu ban quản trị gặp khó khăn vì chủ đầu tư không hợp tác thì có thể liên hệ UBND địa phương (phường, quận, tỉnh, thành phố) để được giải quyết.
Vũ Lê