Trước sự việc trên, Liên đoàn Công nhân Phòng cháy chữa cháy Quốc gia Hàn Quốc hôm 24/2 đã kêu gọi sự hỗ trợ ở cấp quốc gia. "Thật bất công khi lính cứu hỏa phải chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh trong khi họ đang nỗ lực hết sức để cứu người", thông cáo của Liên đoàn nêu.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một tòa nhà ở Sinan-dong, Buk-gu, Gwangju vào khoảng 2h52 sáng 11/1. Theo Sở Cứu hỏa Gwangju, đơn vị phụ trách cứu hộ cứu nạn trong sự việc, lính của họ đã gõ cửa từng căn hộ ở tầng 2 và tầng 3 để thông báo sơ tán. Kết quả, năm cư dân đã tự di tản. Hai cư dân khác đã lên sân thượng để thoát khói. Hai người khác ở tầng một cũng sơ tán an toàn.
Tuy nhiên, có sáu căn hộ không phản ứng khi gõ cửa. Lính cứu hỏa phải dùng lực để mở cửa trước vì cho rằng có thể có người đang ngủ hoặc hít phải khói.
Sau vụ cháy, 6 chủ hộ này đang yêu cầu Sở Cứu hỏa bồi thường chi phí sửa các ổ khóa và cánh cửa bị hỏng trong quá trình cứu hộ. Mỗi hộ yêu cầu hơn 1,3 triệu won (23 triệu đồng), tổng 8 triệu won.

Hiện trường vụ cháy hôm 11/1 khiến một người thiệt mạng ở Gwangju. Ảnh: JoonGang
Người lính cứu hỏa được điều động đến hiện trường vào thời điểm đó giải thích, "Đó là tình huống khẩn cấp mà chúng tôi phải nhanh chóng tìm kiếm những cư dân không thể sơ tán do khói dày đặc từ đám cháy. May mắn thay, không có thêm thương vong nào, nhưng cửa trước đã bị hư hại trong quá trình mở cửa".
Tại Hàn Quốc, thông thường, khi lính cứu hỏa gây thiệt hại về tài sản trong quá trình dập lửa, hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn của chủ nhà nơi xảy ra hỏa hoạn sẽ được sử dụng để bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, do chủ ngôi nhà đã tử vong trong vụ hỏa hoạn này nên không thể bồi thường. Vì thế, những hộ gia đình khác đã yêu cầu Sở Cứu hỏa bồi thường.
Sở Cứu hỏa, đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường, đã hỏi công ty bảo hiểm trách nhiệm bồi thường hành chính mà họ đã tham gia để bồi thường thiệt hại xem họ có xử lý bảo hiểm hay không, nhưng nhận được câu trả lời là "không thể".
Bảo hiểm này là sản phẩm bảo hiểm khi xảy ra tổn thất do lỗi của lính cứu hỏa trong quá trình chữa cháy hoặc cứu hộ. Đơn vị này giải thích do khóa cửa bị hỏng và tài sản bị hư hại trong khi lính cứu hỏa đang tìm kiếm người theo đúng quy trình nên công ty bảo hiểm hỏa hoạn gia đình, chứ không bảo hiểm trách nhiệm.
Liên đoàn lính cứu hỏa giải thích, "Hiện tại, lính cứu hỏa có thể xử lý các tổn thất xảy ra trong quá trình hoạt động của họ thông qua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường hành chính. Nhưng điều này chỉ áp dụng cho các trường hợp họ sai sót, vì vậy họ không được bồi thường cho sự cố này".
Họ cũng nói thêm: "Ngân sách của mỗi sở cứu hỏa địa phương đều có hạn, vì vậy rất khó để đảm bảo ngay lập tức các khoản tiền cần thiết".
Liên đoàn cho rằng sự cố này đã phơi bày những khó khăn mà lính cứu hỏa phải đối mặt do hạn chế về ngân sách và thiếu bảo hiểm cháy nổ. "Tình hình này không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính. Lính cứu hỏa luôn tận tụy vì sự an toàn của người dân. Chính phủ nên đảm bảo các nguồn tài chính cần thiết thông qua một tài khoản đặc biệt để họ có thể toàn tâm toàn ý vào nhiệm vụ của mình", thông cáo báo chí nêu.
Sở Cứu hỏa Gwangju cho hay đã chuẩn bị ngân sách 10 triệu won để chuẩn bị cho những trường hợp như vậy, nhưng rất khó để chi ngay 80% ngân sách cho chi phí bồi thường lên tới 8 triệu won.
Khi việc bồi thường trở nên khó khăn, thành phố Gwangju hôm nay đã vào cuộc để giải quyết vấn đề thông qua hệ thống "bồi thường thiệt hại".
Thị trưởng Gwangju Kang Ki-jung tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội của mình ngày hôm nay: "Những lính cứu hỏa nhảy vào đám cháy không nên phải lo lắng về việc bồi thường. Điều tương tự cũng áp dụng cho thiệt hại không thể tránh khỏi đối với người dân".
Ông nói thêm: "Tôi sẽ bảo vệ sự an toàn của người dân bằng hệ thống bảo hiểm và ngân sách bồi thường thiệt hại".
Hải Thư (Theo ChosunMedia, JoonGang, KBS)