Cự đà ngã xuống đất và nằm bất động do trời lạnh ở Lake Worth, Florida. Video: Abc.net.au
Thời tiết giá rét khiến những con cự đà ở Florida, nơi được mệnh danh là "bang ánh nắng" của Mỹ, đông cứng và rơi khỏi cây, Newsweek hôm 4/1 đưa tin. Nhiệt độ phía nam Florida hạ xuống dưới 4,4 độ C, khiến cự đà lạnh đến mức tê cóng. Khi thời tiết ấm áp hơn, chúng sẽ hồi phục và có thể trèo lại lên cây.
"Khi nhiệt độ giảm, cự đà ngừng hoạt động và không thể bám vào cây nữa. Đó là lý do hiện tượng 'mưa cự đà' xảy ra ở Nam Florida", Ron Magill, giám đốc truyền thông tại sở thú Miami, cho biết.
Người dân không nên chạm vào cự đà khi chúng đông cứng, Kristen Sommers, thành viên Ủy ban Bảo tồn Cá và Sinh vật hoang dã Florida, khuyến cáo. "Đừng cho rằng chúng đã chết", Sommers nói. Cự đà có thể tấn công khi cơ thể ấm lên và cử động lại được.
Cự đà bị đông cứng do trời quá lạnh. Ảnh: Metro. |
Florida từng trải qua đợt lạnh tương tự khiến nhiều cự đà chết năm 2010. Tuy nhiên, chúng đã phục hồi số lượng cá thể trong vòng 5 năm.
Ngoài cự đà, những loài bò sát khác như rùa có thể cũng gặp tình trạng tương tự. Khi nhiệt độ dưới nước hạ thấp, rùa biển bị sốc nhiệt có thể trôi lờ đờ ở vùng biển gần bờ, theo Ủy ban Bảo tồn Cá và Sinh vật hoang dã Florida. Khi đó, chúng thường vẫn còn sống dù trông như đã chết.
Nhiệt độ lạnh kỷ lục tại Bắc Mỹ cũng ảnh hưởng đến chim cánh cụt và cá mập. Các nhân viên của vườn thú Calgary, Canada, phải đưa đàn chim cánh cụt vào trong nhà khi nhiệt độ xuống quá thấp. Người đi biển và các nhà chức trách cũng phát hiện hai con cá mập chết dạt vào bờ biển ở Massachusetts, Mỹ. Các nhà khoa học cho rằng chúng có thể bị sốc lạnh.
Thu Thảo