Sau 10 năm gian nan theo đuổi vụ kiện, hồi tháng 1, bà Tứ được Cục thi hành án tỉnh Bến Tre phối hợp các cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành án, buộc người cháu phải giao trả nhà đất cho bà, theo bản án có hiệu lực hai năm trước.
Theo hồ sơ vụ án, bà Tứ và chồng là Trần Văn Năm chung sống trên khu đất (là tài sản riêng của ông Năm) gần 450 m2 đường Nguyễn Huệ, TP Bến Tre. Ông bà không có con, nên 41 năm trước nhận chị Tường Vi làm con nuôi. Năm 2005, chị lấy chồng định cư tại Mỹ.
Nhà neo người, đất rộng, vợ chồng bà Tứ cất 2 kiốt (loại nhà tiền chế) trên phần đất mặt tiền đường để cho thuê, còn ông bà sống trong ngôi nhà gỗ phía sau. Năm 2009, họ đồng ý cho Nguyễn Anh Trung (cháu ruột của bà Tứ) ở nhờ trong một kiốt để bán tạp hóa mưu sinh, không lấy tiền thuê. Anh này sau đó lấy vợ rồi tiếp tục sinh sống tại đây.
Đến năm 2012, cụ Năm qua đời, không để lại di chúc. Theo quy định của pháp luật, khu đất ông để lại phải được chia cho bà Tứ và chị Tường Vi (đều là hàng thừa kế thứ nhất), mỗi người một nửa.
Tuy nhiên, chị Vi phát hiện bà Tứ đã kê khai di sản thừa kế toàn bộ khu nhà đất rồi làm thủ tục chuyển nhượng cho anh Trung đứng tên. Anh này còn nhận gần 400 triệu đồng Nhà nước bồi thường do thu hồi một phần khu đất (85 m2) để mở rộng đường Nguyễn Huệ. Chị Vi sau đó khởi kiện bà Tứ ra TAND tỉnh Bến Tre yêu cầu chia đôi khu đất mà cha để lại và số tiền được đền bù do giải tỏa mặt bằng.
Trình bày với tòa trong quá trình thụ lý và xét xử, bà Tứ cho biết, do già cả, lại không hiểu biết pháp luật nên sau khi chồng chết bà đã nhờ anh Trung đứng ra làm giấy tờ nhà đất và thủ tục kê khai di sản thừa kế. Anh Trung đã đưa bà ra Văn phòng công chứng ký nhiều loại giấy tờ, và mượn của bà 100 triệu đồng, nhưng mới trả được 27 triệu.
Sau khi làm hồ sơ khai báo di sản thừa kế, thay đổi giấy chứng quyền sử dụng đất sang tên bà, Trung đã lừa dối, tiếp tục đưa bà ra phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất cho anh ta với giá 100 triệu đồng.
Trung sau đó đã làm thủ tục sang tên nhà đất của vợ chồng bà Tứ cho mình, rồi tự ý chuyển hộ khẩu bà Tứ từ TP Bến Tre về huyện Châu Thành - nơi người chị ruột bị bệnh tâm thần sinh sống. Sau khi chiếm được nhà của bà Tứ, vợ chồng Trung xây nhà trên khu đất để ở và kinh doanh. Bà Tứ phải chuyển về sống cùng người chị ở huyện Châu Thành.
Do đó, bà có yêu cầu độc lập, đề nghị tòa tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã ký với Trung; huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND TP Bến Tre đã cấp cho anh này; huỷ văn bản khai di sản thừa kế năm 2013; buộc vợ chồng Trung phải trả lại nhà đất và số tiền mượn còn thiếu là 73 triệu đồng. Bà Tứ cũng đồng ý chia di sản thừa kế cho con nuôi (chị Vi) theo quy định của pháp luật.
Là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, vợ chồng Trung không đồng ý với yêu cầu của bà Tứ. Anh này cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa mình và bà Tứ là ngay tình, đúng quy định của pháp luật. Năm 2014, Trung đã được UBND TP Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với nhà đất nói trên. Khi Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất để làm đường anh cũng là người nhận tiền bồi thường. Trung cũng phủ nhận việc vay tiền của bà Tứ.
Năm 2020, TAND tỉnh Bến Tre xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Vi, buộc bà Tứ phải trả cho con nuôi một nửa di sản thừa kế do ông Năm để lại - tương đương 2,3 tỷ đồng.
HĐXX chấp nhận yêu cầu của bà Tứ, huỷ hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa bà Tứ với anh Trung, huỷ văn bản khai di sản thừa kế lập năm 2013 do vô hiệu vì không ngay tình; buộc vợ chồng anh Trung phải trả lại nhà đất tranh chấp cho bà Tứ và số tiền còn nợ 73 triệu đồng. Bà Tứ có nghĩa vụ thanh toán giá trị căn nhà vợ chồng Trung đã xây thêm trên khu đất.
Tòa cũng kiến nghị UBND TP Bến Tre điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên cho bà Tứ.
Theo HĐXX, bà Tứ thừa nhận chị Vi là con nuôi của mình, nhà đất ông Năm để lại là tài sản riêng của chồng, lúc mất ông không để lại di chúc. Do đó, việc chị Vi yêu cầu chia di sản thừa kế là có căn cứ.
Tòa cũng cho rằng, có căn cứ xác định việc bà Tứ ký hợp đồng chuyển nhượng cho anh Trung với giá 100 triệu đồng là do "bị lừa đối" bởi giá trị thực tế của nhà đất với giá trên hợp đồng chênh lệch bất hợp lý. Đơn cử như năm 2014 Nhà nước thu hồi 85 m2 để làm đường đã bồi thường cho anh Trung gần 400 triệu đồng, trong khi khu nhà đất rộng hơn 400 m2 chỉ có giá 100 triệu đồng.
Quá trình xét xử, anh Trung cho rằng thực tế đã đưa cho bà Tứ 500 triệu đồng chứ không phải 100 triệu. Tuy nhiên, bà Tứ phủ nhận việc này, anh Trung cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc giao nhận tiền.
Tương tự, tòa căn cứ vào nhiều tài liệu, xác định yêu cầu của bà Tứ là có căn cứ.
Không đồng ý với phán quyết này, anh Trung kháng cáo. Tuy nhiên, năm 2022, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã giữ nguyên phán quyết của TAND tỉnh Bến Tre.
Bản án phúc thẩm này có hiệu lực ngay, bà Tứ đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình, song Cục Thi hành án dân sự (Cục THADS) tỉnh Bến Tre đánh giá bản án tuyên không rõ một số nội dung dẫn đến khó thi hành án: như đối với căn nhà vợ chồng Trung xây trên khu đất và một số cây cối trồng không biết giao cho ai... Do vậy, cơ quan này ra quyết định tạm đình chỉ thi hành, nhiều lần gửi văn bản yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM giải thích bản án, nhưng không có phản hồi.
Lãnh đạo Cục THADS tiếp tục đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về nội dung chưa rõ ở trên. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp nhận do "hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên đã rõ ràng, đất và tài sản trên đất là của bà Tứ".
Do vợ chồng anh Trung không hợp tác trong việc thi hành phán quyết, nên Cục THADS đã ra quyết định cưỡng chế.
Bà Tứ cho biết rất mừng vì đã lấy lại được nhà đất là di sản chồng để lại, song bà chưa thể quay lại ngôi nhà cũ để sống. Nhiều năm qua, để theo đuổi vụ kiện và giải quyết các vấn đề phát sinh, bà đã phải vay mượn số tiền lên đến hàng tỷ đồng làm chi phí.
"Có lẽ tôi phải bán một phần nhà đất để trả nợ, sửa sang lại căn nhà cũ để đưa bàn thờ chồng và mẹ chồng về thờ trước đã", bà Tứ nói.
Hải Duyên – Hoàng Nam