Ngồi bên mẹ trong gian nhà nhỏ tại ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, bà Nguyễn Thị Đậu, 78 tuổi, mắt lem nhem thận trọng lấy từ chiếc bọc cũ kỹ tờ giấy tùy thân của mẹ khoe với những người khách lạ đến chúc mừng.
"Năm 110 tuổi, mẹ tôi còn khỏe khoắn lắm, năm 111 tuổi do đi đứng vấp té gẫy chân nên từ đó sức khỏe mới kém, nếu không, bà vẫn nấu cơm chẻ củi, quét sân, lau nhà cửa bình thường", bà Đậu nói.
Kể về cuộc đời mẹ, bà Đậu cho hay, lúc nhỏ nhà không có ruộng đất, cụ Thương phải theo cha mẹ đi tứ xứ làm thuê mướn. Tới năm lấy chồng cái nghèo vẫn đeo bám, hai vợ chồng làm không ngơi tay để nuôi bầy con 9 đứa. 90 tuổi vẫn còn khổ quanh năm làm quần quật, ăn uống thất thường nhưng cụ Thương rất khỏe, ít đau ốm và vẫn lội đồng mót lúa.
Năm 2008, cán bộ xã thống kê chúc tết các cụ lão cao tuổi, bà Thương không đăng ký thường trú, nhìn thấy bà già còn khỏe, không ai tin cụ đã 118 nên bỏ qua. Bà Thương thấy vậy khiếu nại. Đến khi kiểm tra nhân khẩu, xem giấy tùy thân của bà lão, cán bộ xã mới vỡ lẽ.
Những ngày đầu năm 2011, biết tin bà cụ thượng thọ, ngoài con cháu tụ tập về bên bà, những người hiếu kỳ ở các địa phương khác cũng đến nhà xin chụp cùng. Không ít người đến để tìm hiểu bí quyết sống lâu nhưng rất tiếc bà đã không còn có thể trò chuyện.
"Có lẽ cụ sống lâu là do lao động và ăn uống điều độ. Một điều đặc biệt là bà rất nghiện cà phê. Giờ nằm lim dim tại chỗ nhưng thấy bóng con cháu, cụ lại nhờ pha cà phê uống. Con cháu sợ bà mất ngủ pha cà phê nhạt thì bà lại chê", bà Đậu nói.
Như Thanh