Bác sĩ Hồ Văn Phước, Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ngày 4/11 cho biết ca mổ an toàn và bệnh nhân hồi phục sớm như vậy là nhờ bệnh viện áp dụng quy trình ERAS, được triển khai gần đây. Quy trình này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, xây dựng trên nhiều tiêu chí, phối hợp của nhiều chuyên khoa với mục đích tối ưu hóa tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau mổ, từ đó giảm các tác động do cuộc mổ và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Cụ bà nhập viện do chứng trào ngược dạ dày, được chẩn đoán ung thư dạ dày, chỉ định mổ. Các bác sĩ chuẩn bị chu đáo cho cuộc mổ vì bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tiểu đường, suy thận mạn, viêm phế quản, rối loạn lo âu, trầm cảm...
Cụ bà trải qua ca mổ kéo dài bốn giờ để cắt bán phần dạ dày, nạo sạch các hạch di căn. Trong 24 giờ sau mổ, bà đã ngồi dậy, uống nước, sữa và nước súp. Một ngày sau đó, bà đã ăn cháo, tập đi lại; ngày thứ ba xuất viện. Tái khám một tuần sau mổ, bà được cắt chỉ trong tình trạng ổn định về tinh thần và thể chất.
![Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày cho cụ bà. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/04/ba-c-si-pha-u-thua-t-166757021-9049-7794-1667570499.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d139LhCkJquVW1SZg2ueBg)
Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày cho cụ bà. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
TS.BS Lê Huy Lưu, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, cho biết thông thường khi thực hiện các ca phẫu thuật liên quan đến hệ thống tiêu hóa như dạ dày, ruột, bệnh nhân phải nhịn ăn, nhịn uống, nằm nghỉ... Tuy nhiên, y học chứng minh rằng cách thức nhịn như thế này làm chậm quá trình phục hồi của bệnh nhân, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Với quy trình ERAS, bệnh nhân không cần nhịn ăn qua đêm, có thể ăn nhẹ cho đến 6 giờ trước phẫu thuật, uống nước đường cho đến hai giờ trước phẫu thuật. Bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp xâm lấn tối thiểu thay vì vết mổ lớn, sau mổ 6 giờ bệnh nhân bắt đầu uống nước, hạn chế dịch truyền tĩnh mạch, tránh hoặc loại bỏ sớm các ống dẫn lưu, vận động sớm và có chế độ ăn ngay trong ngày phẫu thuật....
Hiện, bệnh viện triển khai quy trình này cho các bệnh nhân phẫu thuật dạ dày, thực quản, đại trực tràng, gan mật tụy... Sau một thời gian áp dụng, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng, tỷ lệ tái nhập viện, rút ngắn thời gian nằm viện từ 30 đến 50%, giảm chi phí, sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
![Cụ bà hồi phục tốt sau mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/04/cu-ba-ung-thu-da-da-y-16675702-8570-7903-1667570499.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OJxDeAGKXCSxix1PNjUrEA)
Cụ bà hồi phục tốt sau mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ung thư dạ dày là loại ung thư thường gặp nhất trong số các loại ung thư của đường tiêu hóa và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 25.000 đến 35.000 người mỗi năm. Trên thế giới, hàng năm có khoảng 600.000 đến 700.000 trường hợp ung thư dạ dày mới được phát hiện. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 40-60, nam gấp hai lần nữ.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày là chế độ ăn giàu thức ăn mặn và hun khói, chế độ ăn ít trái cây và rau quả, ăn các loại thực phẩm bị nhiễm nấm mốc aflatoxin, lịch sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, nhiễm HP, viêm dạ dày mạn tính, thiếu máu ác tính, hút thuốc, polyp dạ dày...
Bác sĩ Lưu khuyến cáo nên đến chuyên khoa tiêu hóa khám khi có các biểu hiện như ăn uống kém, chán ăn; khó chịu hoặc đau ở bụng; chướng hơi dạ dày sau khi ăn; toàn thân mệt mỏi, giảm khả năng lao động, da xanh niêm mạc nhợt biểu hiện của sự mất máu rỉ rả từ tổ chức ung thư, gầy sút cân nhanh...
Hiện, kỹ thuật nội soi ống mềm có sinh thiết giúp cải thiện kết quả chẩn đoán sớm ung thư dạ dày. Điều trị sớm giúp thời gian sống thêm trên 5 năm sau mổ của bệnh nhân ung thư dạ dày là 80-90%. Nếu chẩn đoán muộn, thời gian sống thêm sau mổ trên 5 năm khoảng 10-15%.
Lê Phương