5 năm nay, hình ảnh người học sinh cao tuổi ngày ngày tới lớp đã trở nên quen thuộc với giáo viên và trẻ em tại ngôi trường Leaders Vision Preparatory, làng Ndalat, Rift Valley, Kenya.
Tỏ ra thoải mái hơn khi dùng tiếng bản ngữ trò chuyện, theo BBC, cụ bà bộc bạch lý do trở lại trường học: “Tôi muốn đọc được Kinh Thánh và cũng muốn khuyến khích các cháu nhỏ tới trường”.Cụ bà Priscilla Sitienei năm nay 90 tuổi, thường được gọi thân mật là “Gogo” với nghĩa "bà" trong ngôn ngữ Kalenjin bản địa. Cuối cùng cụ đã được học mặt chữ, biết đọc và biết viết, thỏa nguyện niềm mong ước ấp ủ từ thời còn thơ bé. Hàng ngày, cụ đi học chung với 6 người chút của mình. Với 65 năm làm nghề bà đỡ tại làng Ndalat, nhiều bạn cùng lớp ở lứa tuổi 10-14 cũng do chính tay cụ đỡ đẻ lúc chào đời.
Mang nhiều trăn trở khi chứng kiến số đông trẻ em trong làng quá tuổi tới trường và thậm chí đã có con vẫn không học chữ, nhiều cảnh đời mồ côi sống không hy vọng và quẩn quanh trong đói nghèo, cụ Priscilla quyết truyền cảm hứng cho các em bằng chính hành động của mình. Nhiều lần trực tiếp hỏi lý do không đến trường của các em và nhận được câu trả lời do e ngại tuổi tác, cụ bà đã lấy mình làm ví dụ và đáp lời: “Bà đang đi học mỗi ngày và cháu cũng nên làm vậy”.
Mong muốn đi học của người phụ nữ tuổi 90 ban đầu vấp phải một số khó khăn vì nhà trường không đồng ý, xét về tuổi tác đã quá cao. Tuy nhiên, nguyện vọng chân thành của cụ đã nhanh chóng thuyết phục được ban giám hiệu.
Hiệu trưởng David Kinyanjui giờ tin tưởng rằng cụ bà 90 tuổi đang trở thành một tấm gương sống động cho các em học sinh của mình. “Tôi rất tự hào vì cụ. Cụ bà mang đến phước lành cho ngôi trường, là động lực cho tất cả học sinh. Mọi đứa trẻ yêu quý cụ, chúng muốn học và chơi cùng với cụ ấy. Tôi có thể nói rằng một ngôi trường đã có nhiều đổi thay lớn kể từ khi có cụ”, thầy hiệu trưởng tâm sự.
Sinh ra tại Kenya khi đây còn là thuộc địa của nước Anh và chứng kiến đất nước đấu tranh giành độc lập, cụ bà tuổi 90 tới nay vẫn hào hứng tham gia vào tất cả lớp học: Toán, Tiếng Anh, Thể dục, kịch, múa và hát.
Vào những giờ giải lao, trong đồng phục xanh nhạt và áo chui đầu màu xanh lá như tất cả các bạn cùng lớp, cụ bà trầm ngâm kể lại những câu chuyện xưa dưới tán cây quanh trường chỉ để chắc chắn, những phong tục của ông cha sẽ không mai một. Những giờ kể chuyện thú vị cùng người bạn đặc biệt luôn khiến các em nhỏ thích thú. Những đôi mắt trong sáng vây quanh cụ và lắng nghe từng lời cụ kể.
Một bé gái 11 tuổi tiết lộ Gogo là bạn thân nhất của mình vì “bà thường kể cho chúng cháu nghe nhiều câu chuyện và cùng tập thể dục với cháu nữa”.
“Chúng cháu yêu Gogo vì khi chúng cháu làm ồn thì bà thường bảo chúng cháu yên lặng”, một cậu bé 10 tuổi hồn nhiên chia sẻ.
Một động lực khác thôi thúc cụ bà học cách đọc viết ở vào tuổi xưa nay hiếm còn là để truyền lại những kinh nghiệm hộ sinh và kiến thức thảo dược đã thu thập được suốt đời hành nghề.
Căn phòng ký túc xá nơi cụ chia sẻ với một người chút của mình tới nay vẫn là điểm đến của nhiều thai phụ, thường là vào những ngày thứ bảy. Mọi người tới đây đều có thể nhìn rõ tấm giấy trắng với hàng chữ xanh: “Việc học không có giới hạn tuổi tác!” như một lời tự động viên, khuyến khích cụ và những người khác, đặc biệt là các em nhỏ.
“Tôi muốn nói với trẻ em khắp thế giới, đặc biệt là những bé gái, rằng kiến thức sẽ là tài sản vô cùng quý. Có kiến thức, các cháu sẽ có thể trở thành bất cứ gì mình muốn, một bác sĩ, một luật sư hay một phi công”, cụ bà nhắn nhủ.
Hành trình đi học bắt đầu từ tuổi 90 cũng khiến cụ Priscilla trở thành học sinh tiểu học cao tuổi nhất thế giới. Kỷ lục này trước đây do một người Kenya khác nắm giữ là cụ ông Kimani Maruge. Ông cụ bắt đầu đi học vào năm 2004, ở tuổi 84 và qua đời 5 năm sau đó. Ngôi trường ở Ndalat cho biết sẽ sớm gửi tới Tổ chức Kỷ lục Guiness để thông báo về học sinh 90 tuổi của mình.
Khánh Hà (Theo BBC)