Ngày 20/4, bác sĩ Trương Văn Phục, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, cho biết bệnh nhân bị ong đốt vào đầu, mặt, tay, chân, trên thân thể. Bệnh nhân nhiễm độc nặng, mạch nhanh, huyết áp 85/50 mmHg, có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, tiên lượng tổn thương đa cơ quan, khả năng tử vong rất cao.
Các bác sĩ xử trí cấp cứu, chỉ định lọc máu liên tục, tình trạng người bệnh được cải thiện. Sau 8 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân thoát nguy kịch, hiện tỉnh táo, các chỉ số xét nghiệm bình thường.
Nọc của ong vò vẽ chứa nhiều chất cực độc như melittin, apamine, phospholipase A2, phospholipases B, chất làm vỡ dưỡng bào, hyaluronidase, histamine, dopamine. Trong đó, melittin khiến người bị đốt có cảm giác đau, là yếu tố gây tan máu và rối loạn đông máu. Apamin có khả năng làm tê liệt hoạt động của hệ thần kinh và hoạt động cơ, nặng thì liệt cơ hô hấp, liệt thần kinh và tử vong. Do đó người bị ong đốt nhiều có thể dẫn đến vỡ hồng cầu, tan máu, tổn thương cơ, tiêu cơ vân, rối loạn đông máu, chảy máu phổi, tổn thương tim, suy tim, suy thận.
Mức độ nhiễm độc, sốt tùy thuộc vào loài ong, số lượng nốt đốt. Nốt đốt càng nhiều, càng gần vị trí quan trọng như đầu, cổ... nạn nhân càng nhiễm độc nặng. Bị ong đốt nhiều (5-10 nốt trở lên), nạn nhân mệt, khó chịu, sưng đau. Có trường hợp chỉ bị ong đốt 2 nốt song tình trạng nhiễm độc lại rất nặng.
Bác sĩ Phục cho rằng người dân cần biết cách xử trí khi bị ong đốt để hạn chế nguy hiểm. Các bước xử trí đúng là nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong; rửa sạch vùng da bị ong đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt 2 lần/ngày; uống nhiều nước để loại thải độc tố.
Người nhà cần đưa nạn nhân vào viện khi số lượng vết ong đốt nhiều (trên 10 nốt); bị ong đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng; nạn nhân có biểu hiện khó chịu như đau nhiều, sưng nề vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt.
An Minh