Cơn mưa bắt đầu nặng hạt, bà Trần Thị Lung (75 tuổi, xóm Trại, thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vội vàng lấy tấm ni lông sờn rách mới nhặt được ngoài đường phủ lên đống củi ở ngoài sân. "Mùa mưa đang đến, củi mà ướt thì lấy gì mà đun", bà than. Nói rồi bà cầm nắm rơm lòng khòng đi vào bếp chuẩn bị bữa cơm trưa. Hôm nay ngày rằm nên bà đổi bữa cho các cháu món thịt rang vừa mua rẻ ngoài chợ. "Cả tháng mới được 1-2 ngày có thịt ăn, còn lại cứ đậu phụ mà chén", bà cười móm mém. Căn bếp tối đen, mùi phân gà lẫn phân chó xộc lên nồng nặc.
Ở xóm Trại ai cũng biết nhà bà Lung, bởi 6 người thì 5 người thần kinh không bình thường. Anh con nuôi Nguyễn Văn Đắc (sinh năm 1978) bị tâm thần phân liệt, chẳng mấy khi ở nhà, cứ lang thang hết làng trên xóm dưới.
Con dâu bà, chị Vũ Thị Sơn (sinh năm 1970), quần áo lem luốc, mặt mũi tay chân cáu bẩn vì đất, cầm chiếc nón còn dính đầy phân gà tất tưởi bảo mẹ chồng "Tôi đi bắt ốc đây".
"Đầu óc nó cũng có vấn đề, trước chưa bị tai nạn lao động, chân đi lại nhanh nhẹn còn đi bắt ốc. Nhưng giờ chân bị tật, thỉnh thoảng vẫn bảo đi làm nọ làm kia nhưng chẳng biết đi đâu. Một lúc lại mò về tay không", bà Lung thở dài.
Anh Đắc được vợ chồng bà Lung nhận nuôi từ khi còn đỏ hỏn. Năm 3 tuổi, bà phát hiện ra anh không được khôn như trẻ cùng tuổi. Cứ ai đi qua nhà là Đắc lại giơ tay rủ vào chơi rồi cười hềnh hệch.
"Hồi đó chỉ nghĩ nó dại hơn đứa khác thôi, nhưng lớn hơn tý nữa thì hàng xóm cứ gọi nó là Đắc rồ", bà Nguyễn Thị Luận (trưởng thôn xóm Trại) cho biết.
Đến tuổi đi học, Đắc cũng được mẹ nuôi cho đến trường, nhưng đúp lên đúp xuống, lên lớp 3 thì tự bỏ học. Lớn lên, anh được người trong làng cho đi phụ hồ, nhưng chỉ làm những công việc đơn giản như vác gạch, xúc cát... Lương nhận về cũng đủ nuôi bản thân.
Năm 20 tuổi, được hàng xóm mai mối, anh Đắc nên duyên với chị Sơn, người xóm bên, hơn anh 8 tuổi. Bà Luận khi nhắc tới đôi vợ chồng cùng thôn lại thở dài: "Người dại mà lấy được người khôn thì gia đình đỡ khổ. Đằng này, dại lấy dại, mấy đứa con sinh ra chẳng đứa nào được bình thường. Bao nhiêu năm nay toàn được xét vào hộ đặc biệt khó khăn trong xã".
Lấy nhau được một năm, chị Sơn sinh được cậu con trai đầu lòng năm 1999, đặt tên là Nguyễn Văn Trường. Cậu bé sinh ra khôi ngô khiến bà Lung khấp khởi mừng, hy vọng cháu không giống bố mẹ. Tuy nhiên, đến năm 3 tuổi, Trường cũng có những biểu hiện giống bố trước đây, đi ra ngoài cứ thấy túi ni lông là cho vào miệng nhai. 6 tuổi, Trường được đi học nhưng không có chữ nào vào đầu. Trong một đợt kiểm tra sức khỏe của một đoàn từ thiện từ trung ương về xã, cậu bé bị chẩn đoán thiểu năng trí tuệ, không thể tiếp tục học tập.
Sau Trường, hai em gái là Nguyễn Kim Yến (sinh năm 2002) và Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 2006) đến tuổi đi học cũng được chẩn đoán thiểu năng. Giờ chỉ có Linh tiếp tục đến trường, nhưng chẳng biết đọc, biết viết.
"Con đến lớp con ngồi chơi, cô viết gì thì con tô theo nét đấy. Đến lớp vui hơn ở nhà. Ở nhà toàn bị mẹ mắng", Linh cười ngô nghê.
Cách đây 8 năm, một lần do mâu thuẫn với cai thầu, anh Đắc bị đánh đến chấn thương sọ não, rồi được chuyển lên Bệnh viện tâm thần trung ương với chẩn đoán: Tâm thần phân liệt. Về nhà, anh không làm được gì, suốt ngày chỉ lang thang. Bà Lung trước mắt còn tinh, chân đi lại còn nhanh nhẹn thì vẫn lùng sục khắp nơi tìm con, đưa về nhà ăn uống, tắm rửa. Giờ bà bị đục thủy tinh thể, người đứng trước mặt nhìn còn chẳng rõ nên không đi tìm anh nữa, khi nào nhớ thì về.
Trước kinh tế gia đình bà Lung còn trông chờ được vào 6 sào ruộng, giờ bà yếu nên chẳng ai làm nữa. "Năm ngoái 3 mẹ con nhà nó cũng cầm liềm đi gặt 6 thước ruộng. Bình thường khoảnh ruộng đó một người gặt trong 20 phút, đây 3 người đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Chắc ở ngoài đó cười với nhau", bà Lung ngao ngán.
Không ai cấy lúa nên giờ đến gạo nhà bà cũng phải mua. Cả nhà hiện chỉ trông chờ vào 4 suất trợ cấp của những người thần kinh trong nhà, tổng cộng hơn 2 triệu mỗi tháng. Bữa cơm hàng ngày chỉ là vài miếng đậu phụ và rau cỏ người làng bán rẻ cho. Bà Lung cũng nuôi dăm ba con gà, họa hoằn có giỗ chạp các cháu lại được bữa cải thiện. Những ngày đó, 3 đứa cháu rất vui, quanh quẩn bên bà chờ đợi. "Cháu xin cái chân, cháu xin cái cánh", chúng tranh nhau nói rộn ràng cả một góc nhà vốn chỉ toàn tiếng thở dài của bà nội.
Trường và Yến tắm rửa, giặt giũ đều phải có người trợ giúp. Bé út Linh được cho là tinh khôn hơn - cả tự làm mọi thứ được một mình - nhưng khi bà nhờ làm gì cũng đáp "Không biết".
Vất vả, nhưng bà Lung vẫn luôn tự hào vì ít khi phải vay nợ hàng xóm. "Tôi già rồi, biết sống đến bao giờ nên chẳng muốn vay mượn ai. Nhỡ chết ra đấy, con cháu thì thế này, không trả được nợ thì áy náy lắm", bà cho biết.
Mưa ngày một nặng hạt, bà Lung vươn mình chỉnh mảnh áo mưa phủ trên cái màn đen kịt ở góc nhà. Phía trên nước tong tỏng rớt xuống. Bà kể, trước bà cho cả chậu lên màn để hứng nước mưa, nhưng nước nhiều quá, chậu nặng đổ ập xuống người phía dưới, ướt nhẹp. "Sau tôi phủ áo mưa thôi, vừa nhẹ lại không bị thấm nước", bà phân trần, rồi tiện tay chỉ lên nóc nhà xây dựng từ năm 70 của thế kỷ trước. "Phải đến hơn 10 chỗ dột kiểu này", nói rồi bà ngồi kiểm đếm.
Phía giường bên, 3 đứa cháu thiểu năng đang ngồi xem tivi, thỉnh thoảng gà nhảy hẳn lên giường nhưng chẳng đứa nào buồn đuổi.
Trường đã 20 tuổi nhưng suốt ngày nằm trên giường, ai gọi không thưa. Linh - đứa em út - để vào chiếc bát nhựa cáu bẩn đặt cạnh anh vài chiếc bỏng gạo rồi cười hềnh hệch "Dậy ăn đi". Cô em thứ - Kim Yến - đầu tóc xộc xệch, ngồi bên cười vô thức, buông câu: "Ăn với". Nói rồi, cả ba đứa lại xúm quanh chiếc bát. Phía trên đầu chúng, hàng chục bộ quần áo đen kịt treo lơ lửng, trên giường chăn gối ám mùi nước tiểu, hình như lâu lắm chẳng ai buồn giặt.
Hải Hiền