Sinh năm 1945 tại Sài Gòn, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, thành viên hội đồng xét chức danh quốc gia là con của Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Tuy nhiên, tên tuổi của bà được biết đến nhiều hơn nhờ những nghiên cứu khoa học mang lại giá trị thực tế cao.
Niềm đam mê máy móc cơ khí đến với bà một cách tình cờ. "Vào đại học, tôi được phân vào khoa Cơ học - cái khoa tưởng chỉ để dành riêng cho những chàng trai, bỗng đâu lọt thỏm đứa con gái thấp bé, sau này, sang Liên Xô, lại tiếp tục theo ngành Động lực học và Sức bền máy. Cứ vậy, máy móc, cơ khí hay tự động hóa đã gắn bó với cuộc đời như duyên nợ", bà kể.
Trở về quê hương sau ngày đất nước giải phóng, nhà nữ khoa học gốc Sài Gòn cứ trăn trở mãi câu hỏi: "Phải làm sao góp phần xây dựng đất nước còn nhiều khó khăn bằng khoa học". Nói là làm, bà bắt đầu chuỗi ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm nhằm tạo ra các sản phẩm hữu ích nhất cho cuộc sống người dân. Hàng loạt công trình khoa học như "Thiết lập các chương trình tính toán động học cơ cấu phẳng dùng trên vi tính", "Cân bằng các chi tiết quay và khử rung các máy và thiết bị trong sản xuất"... ra đời. Trong đó, nổi bật nhất là dự án máy cân bằng động dùng để đo lực rung động do mất cân bằng của các chi tiết quay nhanh trong máy bay, tàu thủy, ôtô, xe máy, thiết bị khai thác dầu khí...
Thời điểm đó, chỉ một số nước trên thế giới chế tạo được máy cân bằng động. Tuy nhiên Giáo sư Kiều Nhi quyết tâm thực hiện sản phẩm made in Viet Nam vì bà nghe câu chuyện hải tặc hoành hành ở vùng biển nước mình. Cảnh sát biển đến truy đuổi thì chúng đã chạy xa và rất khó đuổi kịp. Lý do vì bánh lái tàu cảnh sát biển không thể quay đủ nhanh vì dễ mất cân bằng, dẫn đến lật tàu. Nếu sáng tạo của bà ra đời sẽ giúp ích cho nền kinh tế, xã hội. Mong muốn giúp ích cho tổ quốc nhưng trong hoàn cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, những nghiên cứu của bà chỉ như của để dành.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi vốn dành cho nghiên cứu cạn dần. Nhà nữ khoa học đành lấy ngắn nuôi dài, thậm chí dùng tiền riêng để nuôi đam mê. Lắm lúc nản muốn buông xuôi nhưng nghĩ về những "đứa con tinh thần" chưa thành hình, bà lại kiên nhẫn, tự động viên cơ hội sẽ đến dành cho người biết chờ đợi. Bà tiếp tục say nghề, say công việc đến nỗi đôi khi quên mọi thứ xung quanh. "Rất may tôi nhận được sự động viên của gia đình nên lắm khi làm việc quên thời gian ở phòng thí nghiệm nhưng chồng, con không ai trách móc, ngược lại lại động viên, cổ vũ tinh thần", bà cho biết.
Sau nhiều năm chờ đợi, cơ may mỉm cười với bà khi vào năm 1992, một nhà máy cần xuất khẩu những vô-lăng, bánh đà đi nước ngoài nên chấp nhận để Giáo sư áp dụng thử nghiệm máy cân bằng động. Thành công đầu tiên đã tạo nên bước đệm để bà mạnh dạn mang các nghiên cứu đi chào hàng, được các đơn vị sản xuất hưởng ứng nhiệt tình. Không lâu sau đó, những chiếc máy cân bằng động đã ứng dụng vào cân bằng tuốc bin máy bay tại xưởng sửa chữa A41 thuộc sân bay Tân Sơn Nhất... Ngày nay, những chiếc máy cân bằng động made in Việt Nam của Giáo sư Nhi có mặt tại khắp mọi nơi, thậm chí sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu. Thay vì phải nhập từ nước ngoài với giá cắt cổ, sản phẩm của bà được đánh giá không chỉ rẻ mà còn có kỹ thuật cao.
Giáo sư Kiều Nhi chia sẻ, làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất vả hơn, bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân bà, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của phái mạnh. "Khi nói nhà khoa học làm máy móc là nữ họ không tin vì nhiều người cho rằng đàn bà yếu đuối vặn ốc còn không chặt huống chi làm máy cơ khí", nữ Giáo sư tâm sự.
Giờ đây ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà vẫn rất tâm huyết với khoa học. Bà mong muốn đặt nền tảng chế tạo máy CNC (computerized numerically controlled) tại TP HCM. Dưới sự dìu dắt của bà, những chiếc máy CNC cỡ nhỏ dần hình thành bởi bàn tay, khối óc của các nghiên cứu sinh ứng dụng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, góp phần vào việc phát triển làng nghề truyền thống tại Việt Nam.
Từ những đóng góp hữu ích cho cộng đồng, bà Ngô Kiều Nhi đã được vinh danh tại lễ trao giải thưởng "Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước" tổ chức vào ngày 8/3 tại Cung Thể thao văn hóa Thanh niên Hà Nội.
Giải thưởng khởi động từ ngày 20/10/2015 nhằm mục đích tôn vinh những người phụ nữ có tinh thần vươn lên tiến bước, để cải thiện cuộc sống gia đình và phát triển xã hội.
Từ hàng nghìn hồ sơ, ban tổ chức đã chọn ra 50 gương mặt tiêu biểu, trong đó 7 chị em là doanh nhân, 7 người làm nghiên cứu khoa học; 7 gương mặt hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; 16 người có công trình hay hoạt động "Vì sự tiến bộ phụ nữ"; 6 nhân vật có tác phẩm thay đổi suy nghĩ phụ nữ Việt Nam và 7 người làm thiện nguyện. Chương trình do nhãn hàng Ariel (P&G) phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) thực hiện.
Linh Hân