Sơ Andre, người hiện sống ở nhà tế bần tại thành phố Toulon, Pháp được cho là người cao tuổi nhất thế giới còn sống, sau khi bà Kane Tanaka của Nhật Bản qua đời ở tuổi 119. Trước đó, bà được biết đến là người cao tuổi nhất châu Âu.
"Người ta nói rằng làm việc gây tổn hại sức khỏe, nhưng với tôi, làm việc giúp tôi sống thọ", bà Andre trao đổi hôm nay trong phòng trà viện tế bần ở thành phố Toulon. "Tôi vẫn làm việc cho đến khi 108 tuổi".
Bà Andre, sinh năm 1904 tại Ales, miền nam nước Pháp, chia sẻ "chỉ có Chúa mới biết" bí mật trường thọ của bà, khi luôn từ chối yêu cầu kiểm tra mẫu ADN hoặc mẫu tóc. Mặc dù hiện tại bị mù và phải ngồi xe lăn, bà Andrea vẫn luôn quan tâm những người già khác, vì với bà đó chính là niềm vui.
"Mọi người nên giúp đỡ nhau và yêu thương nhau thay vì ghét bỏ. Nếu chúng ta chia sẻ tất cả điều đó, mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều", bà nói.
Mỗi sáng, bà Andrea đều được nữ tu sĩ Therese, gần 89 tuổi, đưa đến nhà nguyện. Sơ Therese nói bà Andre có "sứ mệnh phục vụ người khác" và đức tin đó giúp bà ấy tiếp tục sống thọ.
Mỗi ngày, sơ Andre thường thực hiện các hoạt động như cầu nguyện, tiếp đón người thăm hỏi, cũng như nhận và trả lời thư của nhiều người gửi tới.
Năm ngoái, bà đã kiên cường chống chọi sau khi mắc Covid-19, trở thành biểu tượng hy vọng cho mọi người dân trên toàn thế giới.
Dù vui khi được xem là người sống thọ nhất thế giới hiện tại, bà Andre cho rằng "già đi không phải là điều thực sự đáng vui", bởi giờ bà không thể làm nhiều điều từng làm như chăm sóc người khác hay dạy những đứa trẻ nhảy múa.
Bà Andrea cũng tự đặt ra một thách thức cho bản thân, đó là đánh bại kỷ lục của Jeanne Calment, người qua đời năm 1997 tại Arles, miền nam nước Pháp, ở tuổi 122. Calment được công nhận là người có tuổi thọ được chứng thực cao nhất trong lịch sử.
Dù tuổi của bà Andrea chưa được Guinness hay tổ chức chính thức nào công nhận, Laurent Toussaint, chuyên gia theo dõi tuổi thọ người Pháp, xác nhận bà hiện là người cao tuổi nhất thế giới còn sống.
Thanh Tâm (Theo AFP)