Bác sĩ Nguyễn Văn Bảy, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 3/9 chia sẻ: "30 năm trong nghề y, chưa bao giờ tôi thực hiện ca phẫu thuật cho một bệnh nhân lớn tuổi như vậy. Bệnh nhân lớn tuổi vẫn có sức khỏe khá tốt để vượt qua ca mổ".
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hải, sinh năm 1915, ở thành phố Hòa Bình. Bà lớn tuổi, lưng còng, cổ bị cứng, là thách thức lớn trong việc gây mê, đặt ống nội khí quản với kíp phẫu thuật. Các bác sĩ cân nhắc rất kỹ về liều lượng thuốc gây mê, thời gian dùng thuốc, áp lực bơm, thời gian phẫu thuật. Quá trình thực hiện đòi hỏi phải nhanh, đủ quy trình, đảm bảo chính xác, an toàn.
Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch. Sau mổ cụ bà hồi phục tốt.

Bác sĩ thăm khám cho cụ bà. Ảnh: Nguyễn Tuyết
Bác sĩ Bảy cho biết bà cụ được chăm sóc hậu phẫu để tăng cường sức khỏe, giúp vết thương mau lành. "Công tác chăm sóc hậu phẫu rất đặc biệt và hết sức quan trọng. Bác sĩ phải tính toán kỹ lượng thuốc cho bà theo trọng lượng, độ tuổi, kiểm soát nhiễm khuẩn vết mổ, vấn đề dinh dưỡng...", bác sĩ Bảy nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thành, Trưởng khoa Dinh dưỡng, chia sẻ Khoa Dinh dưỡng phối hợp khoa Ngoại Tổng hợp để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân này, bởi độ tuổi quá hiếm gặp. Quan trọng nhất là vấn đề hấp thu dinh dưỡng ở người cao tuổi. Khoa cử riêng một cán bộ theo dõi chế độ ăn cho cụ, tư vấn, kiểm tra thành phần suất ăn, cách thức chế biến đến thăm hỏi, đánh giá quá trình tư vấn.
Bác sĩ lưu ý, tình trạng đau bụng ở người già rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm đại tràng co thắt, táo bón, ăn chậm tiêu, bệnh đường tiêu hóa bình thường hoặc bệnh lý không phải can thiệp. Do đó, người nhà cần quan tâm tới những biểu hiện bất thường của người già để đưa và viện kịp thời.
Thúy Quỳnh - Nguyễn Tuyết