Thông tin được PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Chủ nhiệm Bộ môn Sản Phụ khoa - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng khối Sản - Bệnh viện Hùng Vương cho biết tại Hội thảo Khoa học toàn quốc, chuyên đề Dinh dưỡng thai kỳ, chăm sóc và điều trị dọa sảy thai, do bệnh viện phối hợp Công ty United International Pharma (UIP) tổ chức ngày 2/11.
Trầm cảm sau sinh là tâm bệnh xuất hiện sau khi sinh nở ở người phụ nữ, nhất là trong 2-3 tuần đầu ở cữ. Hầu hết phụ nữ sau sinh đều có rối loạn khí sắc. Triệu chứng này có thể thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên một số bị rối loạn dai dẳng kéo dài, dần dần dẫn đến trầm cảm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ. Cá biệt, có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con do hành vi tự sát.
Theo bác sĩ Trang, mặc dù gọi là trầm cảm sau sinh, song nhiều trường hợp trong lúc mang thai đã có biểu hiện trầm cảm, tăng nặng lên ở đoạn giữa và cuối thai kỳ, sau đó tăng vọt sau sinh, nên cần được quan tâm đúng cách, điều trị kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ bị trầm cảm sau sinh như thay đổi nội tiết, hormone, tâm lý. Chăm con vất vả, ít ngủ, em bé quấy khóc đêm khiến người mẹ căng thẳng, cơ thể suy nhược, rối loạn tâm trạng nhiều hơn.
Nhiều sản phụ không nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chồng, gia đình và người thân, mâu thuẫn trong việc chăm sóc con cái cũng dễ trầm cảm.
Ngoài ra, các yếu tố dự báo trầm cảm sau sinh còn là biến cố tâm lý trước đây cũng như những căng thẳng trong cuộc sống hiện tại hoặc chấn thương, lạm dụng thời thơ ấu...
Về mặt tâm lý, phụ nữ trầm cảm sẽ cảm thấy chán nản, mất hứng thú với các hoạt động vui chơi, có lòng tự trọng thấp và nghĩ về cái chết. Người bệnh gặp chán ăn, bất thường về giấc ngủ, có năng lượng thấp, di chuyển chậm hơn hoặc nhanh hơn và gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc đưa ra quyết định. Họ cũng không có tương tác với con, tự buộc tội bản thân là gánh nặng, không đủ khả năng chăm sóc con, cảm thấy bản thân vô dụng...
Phần lớn phụ nữ sau sinh mắc trầm cảm tạm thời và tự hết, song nhiều trường hợp tiến triển nặng. Thống kê có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế, nhiều trường hợp biểu hiện nhẹ hoặc không chia sẻ, cố tình giấu bệnh, khi phát hiện thì đã ở giai đoạn khó điều trị.
"Khi trầm cảm không được điều trị, người mẹ dễ chuyển sang loạn thần sau sinh", bác sĩ Trang nói, thêm rằng khi đó đứa con - người từng là niềm vui, hy vọng của gia đình lại chính là đối tượng đầu tiên mà người mẹ bị loạn thần muốn hủy hoại.
Do đó, các chuyên gia nhận định ở thời điểm sau sinh, sự hỗ trợ từ gia đình rất quan trọng. Ngoài động viên tinh thần, người thân còn có nhiệm vụ quan sát, phát hiện sớm triệu chứng trầm cảm của sản phụ, tránh tình trạng bị bỏ sót điều trị.
Các bác sĩ khuyên người mẹ cần ngủ đủ giấc và dành thời gian chăm sóc bản thân, tập thể dục lấy lại vóc dáng, sự tự tin. Không nên giam mình trong bốn bức tường mà cần ra ngoài hít thở không khí, nghe nhạc thư giãn... giúp tâm trạng vui vẻ, ổn định. Cải thiện chế độ ăn uống, bổ sung vitamin, tăng chức năng hệ miễn dịch.
Phụ nữ sau sinh cũng cần được chồng và gia đình quan tâm hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ. Những em bé quấy khóc có thể do căng thẳng về tinh thần và tiêu hóa. Không để trẻ bú no quá hoặc quá đói, cho nghe nhạc thư giãn, massage cho bé, sử dụng số loại thảo dược giúp bé ngủ ngon như lá tía tô đất, lạc tiên tây... Khi ngủ nên để điều hòa ở nhiệt độ vừa phải, tránh nóng quá hay lạnh quá sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.
Điều trị trầm cảm sau sinh có thể sử dụng liệu pháp tâm lý, điều trị bằng nội tiết tố, liệu pháp sốc điện hoặc liệu pháp hóa dược. Tùy vào mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị riêng cho bệnh nhân. Điều quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh, để điều trị kịp thời.
Nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11% đến 33% và thường khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh. Bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trầm cảm là gánh nặng nhất trong tất cả tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến phụ nữ.
Mỹ Ý