Chủ đề doanh nghiệp và CPTPP là một trong những nội dung quan trọng của 6 phòng hiến kế thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng ngày 2/5. Phiên hiến kế được tổ chức trong bối cảnh CPTPP vừa chính thức có hiệu lực và được thực thi ở Việt Nam kể từ tháng 1/2019. Đến nay, sau gần 4 tháng triển khai hiệp định, các chuyên gia đánh giá đa phần doanh nghiệp trong nước vẫn còn chưa nắm bắt được đẩy đủ nội dung Hiệp định cũng như cần biết phải làm gì để tận dụng được lợi thế từ CPTPP.
Vì vậy, với chủ đề khai thác hiệu quả CPTPP dành cho các doanh nghiệp để chủ động thúc đẩy, tăng trưởng công ty, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế đất nước, phòng hiến kế CPTPP đã thu hút được gần 200 doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện hiệp hội...tham gia cho ý kiến để "gỡ khó" cho doanh nghiệp cũng như các Bộ ban ngành và Nhà nước. Phòng hiến kế có sự tham gia của thương hiệu Tôn Colorbond từ BlueScope và Công ty cổ phần Sản xuất Hàng Thể Thao MXP JSC.
CPTPP mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh...
"Đây là động lực, cảm hứng để các doanh nghiệp vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau WTO. Đây là tác động lớn nhất của hiệp định. Vượt ra ngoài kinh tế và thể chế, CPTPP còn bởi khi thực hành các tiêu chuẩn cao hơn. CPTPP bị tác động trên nhiều mặt. CPTPP mang lại lợi ích cho đoanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cơ hội thuế quan giảm, tạo lợi thế cho Việt Nam khi cạnh tranh với các nước khác. 8000 - 9000 sản phẩm dệt may, da dày, sản xuất khác... hưởng lợi từ việc không bị (được giảm) thuế", ông Lộc nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế. CPTPP hỗ trợ tiến trình đổi mới, tăng trưởng, giúp chúng ta hoàn thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, liêm chính, khách quan của bộ máy nhà nước. Hiệp định thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phòng chống tham nhũng, quan liêu.
"Nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành thị trường sản xuất mới của họ, thức đẩy hiện đại hóa đất nước", Thứ trưởng khẳng định.
Tuy vậy, cả hai diễn giả đều cho rằng CPTPP cũng sẽ mang đến những thách thức nhất định và hiện nay cả từ phía doanh nghiệp lẫn Nhà nước Việt Nam còn gặp rất nhiều hạn chế trong việc thay đổi để thích ứng và khai thác hiệu quả hiệp định. Từ phía doanh nghiệp, đó là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn và vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Về phía Nhà nước, những hiện tượng như làm khó với hàng xuất khẩu, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu hoặc tư duy quản lý chưa theo kịp sự phát triển kinh tế vẫn còn tồn tại.
Ngành dệt may đóng góp kiến nghị để bứt phá trong CPTPP
Phát biểu trong phiên hiến kế, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng.
Ông Giang cho rằng quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng vai trò của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành là hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. Bởi những nước thành viên như Singapore, Malaysia không phải những nước dệt may.
Các giải pháp của chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và dệt may da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu nước, điện, lao động... Vai trò của chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở. Một số địa phương dị ứng với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn không được cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Kiểm soát nó phải đưa ra các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển.
Ông Vũ Đức Giang cho biết định hướng của Nhà nước trong chiến lược phát triển nguồn lực rất cần thiết. Đặc biệt, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm. Đây là vấn đề sống còn, nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển. Vì vậy, ông Giang đề xuất vướng mắc về giải pháp chuỗi cung ứng trong toàn ngành.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra ba kiến nghị. Một là, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành cônng nghiệp dệt may da giày. Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững.
Đồng tình với ông Giang, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết trong 18 năm vừa qua ngành dệt may đạt tốc độ phát triển 15%. Đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công. Nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam vì quy mô dệt may của Trung Quốc quá lớn. Nhưng hiệp định này, vừa là thách thức, vừa là cơ hội.
Vì vậy, nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Bởi hiện nay, ngành dệt may tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70%. Ngành dệt may Việt Nam có tầm quan trọng dặc biệt, khhông chỉ tạo công việc làm, thúc đẩy xuất khẩu lớn, tạo ra nhiều doanh nhân."Chúng ta cần quy hoạch cụ thể, cần đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Chúng ta cũng cần thống nhất từ Trung Uơng tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư. Ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn. Bộ Công thương cần hỗ trợ kéo sợi, nhà phát triển khu công nghiệp đầu tư nước thải....", ông Tuấn cho biết.
Doanh nghiệp da giày, thép gặp thách thức trong CPTPP
Bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Thư ký của Hiệp hội Da giày cho biết Sự tăng trưởng, xuất khẩu của ngành da giày những năm gần đây khá đáng kể. Để đáp ứng CPTPP, với tỷ trọng ngành da giày hiện nay, có 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
"Chúng tôi tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho doanh nghiệp thực thi. Tuy nhiên, theo khảo sát, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này. Doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin, nguồn nguyên liệu...Chúng ta có thể tự tin sản xuất giày thể thao nhưng thách thức là giày da, chúng ta nhập khẩu lớn. Đển đáp ứng rào cản về thương mại, kỹ thuật, chúng ta cần có chiến lược. Câu chuyện nguyên phụ liệu là muôn thuở. Bộ Công thương cũng đã ra nghị quyết 111 để hỗ trợ. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp tận dụng được", bà Xuân nói.
Đối với ngành thép, doanh ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH BlueScope Việt Nam cho biết ngành thép hiện được chia là thương - trung - hạ nguồn.
"Đối với sản phẩm thép, mức thuế thấp, bằng không. Tuy nhiên, các nước có thuế chống bán phá giá, gian lận thương mại... Tuy nhiên, nhìn về ngành thép, các sản phẩm hạ nguồn chúng ta có lợi thế. Chúng ta có cơ hội xuất khẩu thành công vào CPTPP vì không có thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật", ông Nhựt nói.
Thử thách đối với các nước CPTPP không lớn , thép nhập khẩu Việt Nam nhiều hơn xuất khẩu. Đa số thép xuất khẩu hơn 50% đến từ Trung Quốc, Đài Loan... Sản phẩm hạ nguồn, chưa có chất lượng, kiểu dáng đột phá.
Ông Nhựt nhận định sự quan tâm của một số doanh nghiệp chưa đúng mức. Các doanh nghiệp chưa đặt sự quan trọng về hệ thống, chính sách của mình để đạt tiêu chuẩn cao của CPTPP.
"Đối với công ty BlueScope, chúng tôi tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, hợp tác với một số đối tác có thế mạnh. Chúng tôi đưa ra giải pháp trọn gói, đưa ra sản phẩm công nghệ thép mạ, khắc phục môi trường khắc nghiệt vùng biển, mưa axit. Từ đó, chúng tôi có thể xuất khẩu tới những nước phát triển, không bị rào cản giá thành cản trở", ông Nhựt lấy ví dụ từ doanh nghiệp của mình.
BlueScope hiện hạn chế khí thải, gây hiệu ứng nhà kính. Xây dựng một chuỗi cung ứng có trách nhiệm và đang hoàn thiện quy tắc ứng xử để nhà thầu có thể đáp ứng yêu cầu về mọi mặt. Công ty cũng tăng cường lao động nữ trong doanh nghiệp, trong cả hoạt động sản xuất. Chúng tôi có chính sách trong cả khâu tuyển dụng, đào tạo... Cứ ba nhân viên làm việc ở công ty sẽ có một nhân viên nữ.
Doanh nghiệp cần chủ động để khai thác hiệu quả CPTPP
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP.
Theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp của Việt Nam cần hội nhập bằng tư duy. Tư duy phải đồng điệu từ quản lý hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. "Chúng ta phải có trách nhiệm với môi trường. Chúng ta hội nhập bằng thể chế. Riêng trong ngành nông nghiệp, hai năm mà có chúng ta đã có 5 bộ luật rất cơ bản, tốc độ GDP tăng trưởng 2018 là 2,76%, kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ đô. Tới lúc nào đó, chất lượng là cái tiên quyết với thị trường".
Ông nói, hiện tại, thủ tục hành chính đã cắt giảm, riêng trong ngành nông nghiệp cũng đã giảm đáng kể. Cùng lúc đó, các bên cần tìm ra sự chia sẻ động thuận giữa các hiệp hội hay các cơ quan quản lý với hiệp hội. Bản thân ngành nông nghiệp chịu tổn thất lớn, biến đổi khí hậu, tác động thị trường, khó khăn nội tại sản xuất.
Thứ nhất trong giai đoạn CPTPP vừa ký kết, cần phải phổ biến, tuyên truyền. Cục gửi và cập nhật hàng ngày các quy định nhưng ông không biết các doanh nghiệp có đọc và hấp thụ được không. Thứ hai phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội. Thứ ba là trong nội tại ngành nông nghiệp cần thực hiện tái cơ cấu, thực hiện sản xuất bằng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng bằng con đường chế biến. Nhiều sản phẩm đặc thù gặp khó khăn trong vấn đề bảo quản. Ví dụ quả chanh leo vào Pháp đi dường cảng mất 40 ngày, đi đường hàng không thì chi phí cao... là những thách thức. Thứ tư là vấn đề thị trường. Doanh nghiệp là người quyết định trong cuộc chơi, nhà nước là người kiến tạo, xử lý những vấn đề mang tính quốc gia, thể chế.
Quan hệ đối tác công- tư là yếu tố quan trọng trong CPTPP
Một trong những loại hình hợp tác công - tư khả thi hiện nay giữa Bộ ngành và khu vực tư nhân là việc tập trung nguồn lực và giải pháp để triển khai các hoạt động dự báo, cung cấp thông tin thị trường, thông tin về công nghệ, tiêu chuẩn của các thị trường, đặc biệt các thị trường thuộc nhóm nước tham gia CPTPP hay một số FTA song phương khác giúp doanh nghiệp để đánh giá chính xác thông tin, cơ hội thị trường, sự cạnh tranh của các bên và hành động cần thiết đối với từng nhóm sản phẩm trong nước. Chia sẻ về vấn đề này, bà Kim Hạnh - Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, có ba vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất là vấn đề thông tin. Bà Kim Hạnh nhận thấy, các hiệp hội với Nhà nước và Bộ chưa có mối quan hệ, chia sẻ với nhau đến cùng, việc tiếp nhận và phổ biến thông tin chưa được sâu sát, nhất là về Hiệp định CPTPP. Bà dẫn chứng một số nước như Canada, họ có cách tổ chức các cuộc thi hiểu về CPTPP rất sinh động.
Theo bà Kim Hạnh, với các doanh nghiệp lớn như dệt may, da giày, thị trường xuất khẩu mạnh nhưng thị trường trong nước rất đuối.
"Chúng tôi phát hiện CPTPP có điểm mới rất thuận lợi cho mình. Những doanh nghiệp phi thực phẩm có thể tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau hơn 2 năm làm chương trình tiêu chuẩn, tôi thấy, thế giới có 3 thành phẩn nhà nước, doanh nghiệp, các nhà sản xuất tổ chức... trong khi khá nhiều ngành của ta lại không tồn tại thực sự 3 thành phần này", bà nói.
Thứ hai là vấn đề tiêu chuẩn. Tâm trạng doanh nghiệp Việt Nam khi làm tiêu chuẩn là đối phó, cần thay đổi. Cuối cùng là vai trò của hiệp hội. Hiệp hội nếu không đủ hiểu thị trường, không lắng nghe doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi.
Từ góc độ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ công tư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, các hiệp hội cần bám sát hơn các văn bản quy phạm pháp luật.
Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ông Cương cho biết trên thực tế, Nghị định của Chính phủ đã xử lý được một số vướng mắc nhưng vẫn còn những hạn chế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực sửa chữa để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Phát biểu về vai trò của doanh nghiệp tư nhân, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết muốn thực hiện tốt đối tác công tư, cần hiểu rõ chủ thể. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò yểm trợ, các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm kết nối còn khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần phải được trao quyền và giao việc nhiều hơn để chủ động phát triển kinh tế.
"Đối với việc cung cấp thông tin hội nhập thì các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Muốn như vậy, phải chuyển giao dịch vụ công của nhà nước cho các hiệp hội doanh nghiệp. Các bộ ngành không nên "ôm" tất cả. Vì vậy, chúng ta phải phân tích lại chức năng, phân bổ lại nguồn lực", ông Lộc khẳng định,
Chủ tịch VCCI bổ sung đối tác công tư muốn thành công thì cần nâng cao năng lực của nguồn nhân lực. Nhà nước cần tập trung làm thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Các bộ phần làm thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính cần làm việc độc lập mới đạt hiệu quả cao.
Xem diễn biến chính