Ngày Quốc khánh năm nay diễn ra trong lúc cả nước đối mặt với đợt dịch kéo dài hơn bốn tháng. Hàng loạt địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 toàn tỉnh hoặc theo từng khu vực. Một số tỉnh thành nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm, không áp dụng biện pháp chống dịch mạnh song kêu gọi người dân ở đâu yên đấy, hạn chế ra khỏi địa bàn.
2021 là năm đầu tiên Việt Nam có thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh. Kỳ nghỉ lễ cuối cùng của năm sẽ kéo dài bốn ngày, từ 2/9 đến hết 5/9. Người dân thay vì đổ về quê, đi du lịch, đi chơi, thì ở yên trong nhà theo lời kêu gọi của chính quyền. Đường phố đô thị vắng lặng, chủ yếu là lực lượng làm nhiệm vụ ra đường. Không khí trầm lắng hơn mọi năm.
Trong ngày 2/9, TP HCM ghi nhận hơn 5.900 ca nhiễm mới, nâng tổng số F0 lên hơn 232.500 người. Từ đầu đợt dịch đến nay, hơn 116.300 F0 đã khỏi bệnh, chiếm tỷ lệ 50%.
Lãnh đạo y tế thành phố nhận định số F0 đã khỏi bệnh này "là nguồn lao động quý" vì đã có kháng thể, miễn nhiễm tạm thời với Covid-19 nên mời gọi tham gia chống dịch. Thành phố sẽ tuyển dụng, trả lương, xét nghiệm, bố trí vị trí phù hợp cho những người này để nhân viên y tế tập trung chuyên môn.
Quận 7 tuyên bố đã bước đầu kiểm soát được dịch. Số lượng ca tử vong tuần qua giảm mạnh, bình quân 4 - 5 ca mỗi ngày trước đây giảm xuống còn 2, có ngày 0. Tỷ lệ "phủ" vaccine mũi 1 toàn quận đạt gần 94% dân số. Lãnh đạo quận 7 cho rằng đạt được kết quả trên nhờ chủ động biện pháp chống dịch, như chuẩn bị nhiều hơn số giường cách ly, lập bệnh viện dã chiến công suất 600 giường... Song địa phương không chủ quan do "diễn biến dịch còn phức tạp". Thời gian tới, quận 7 sẽ tăng tốc, phấn đấu cuối tháng 9 hoàn tất mũi tiêm còn lại, xét nghiệm PCR xong "vùng xanh", "vùng vàng" và chăm lo an sinh cho người dân.
Những ngày qua, người dân đã trải qua hơn ba tháng giãn cách khi chính quyền lần lượt nâng cấp độ chống dịch và hiện tại yêu cầu ai "ở đâu ở yên đó". Những chiếc xe đạp thồ vốn chở vũ khí, đạn dược, nay được bộ đội Sư đoàn 5 (Quân khu 7) trưng dụng làm xe chở lương thực, luồn lách vào hẻm sâu cấp phát nhu yếu phẩm cho bà con. Trên các cánh đồng Bình Chánh, hàng chục học viên trường Sĩ quan Lục quân 2 giúp nông dân gặt lúa trong những ngày người dân không thể ra khỏi nhà.
TP HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ tiền mặt, lương thực cho 4,5 triệu người sau ngày 15/9. Với nỗ lực không để lao động khó khăn lọt lưới an sinh, chương trình sẽ kéo dài 3 - 4 tháng. Hiện, gần 2 triệu túi an sinh đã đến tay người nghèo, lao động mất việc làm, và thành phố sẽ thiết kế thêm 2 triệu túi nữa từ ngân sách.
Tại Đà Nẵng, ca nhiễm cộng đồng đang giảm mạnh khi toàn thành phố xét nghiệm diện rộng lần thứ ba. Chính quyền tính mở lại một số hoạt động từ 5/9 và lên kế hoạch "sống chung với dịch" về lâu dài, sau ba tuần người dân ở yên trong nhà.
Theo Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thành phố không thể đóng cửa mãi được. Bởi yêu cầu người dân "ở yên trong nhà" là quyết định dễ dàng với hệ thống quản lý nhà nước nhưng phải tính đến các hệ quả khác về tư tưởng, tâm lý, xã hội. Nếu chấp nhận "sống chung với dịch", Đà Nẵng sẽ tính toán nguy cơ bùng dịch khi mở lại hoạt động. Chính quyền, người dân phải sẵn sàng chuyển về tình huống báo động, quay lại ở yên trong nhà nếu dịch phức tạp.
Sau gần một tuần bùng phát các ổ dịch cộng đồng, Thanh Hóa đang giãn cách, phong tỏa các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc và TP Thanh Hóa. Chùm ca nhiễm liên quan đám tang ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn đã tăng lên 20 người. Tỉnh hiện ghi nhận các ổ dịch phức tạp tại Nông Cống, Bệnh viện Hợp Lực và Thị trấn Nga Sơn.
Để kiểm soát F2, chính quyền xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa khóa cổng 287 hộ dân phòng dịch lây lan. Lãnh đạo xã lý giải địa bàn nông thôn rộng, ý thức nhiều người chưa tốt, cán bộ mỏng nên áp dụng cách trên để "phòng dịch tốt nhất". Có người dân đồng tình, song cũng có ý kiến cho rằng cách làm của chính quyền cứng nhắc nếu có hỏa hoạn, sự cố xảy ra.
Hà Nội trải qua ba đợt, tổng cộng 45 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Sau ngày 6/9, thành phố sẽ điều chỉnh, thiết lập ba vùng "đỏ - cam - xanh" tương ứng với nguy cơ dịch và đặc điểm địa lý, dân cư, sinh hoạt, sản xuất. "Vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 ở mức cao hơn; "vùng cam" (nguy cơ cao) và "vùng xanh" (nguy cơ thấp) siết chặt Chỉ thị 15 để dần phục hồi kinh doanh, sản xuất.
Để giãn mật độ dân cư khỏi ổ dịch ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, từ tối 1/9 quận Thanh Xuân tổ chức những chuyến xe đầu tiên đưa dân ra khỏi khu vực phong toả. Hết ngày mai, quận sẽ di dời 10 đợt với khoảng 1.200 người.
Sau chuyến kiểm tra đột xuất tại quận Thanh Xuân hôm 31/8, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội khắc phục bất cập chống dịch khi để người dân ra đường nhiều, chưa đạt yêu cầu giãn cách xã hội. Thành phố cần chấn chỉnh thiếu sót trong tổ chức, kiện toàn hoạt động của các trung tâm chỉ huy chống dịch tại xã, phường.
Bốn tháng bùng phát đợt dịch mới, ca nhiễm cả nước đã vượt 480.000, ghi nhận tại 62 tỉnh thành. Cao Bằng vẫn là địa phương duy nhất "sạch" Covid-19.
Hồng Chiêu