Hai người tử vong là các nhân viên người Ấn Độ làm việc cho cơ quan ngoại giao Mỹ, hai nguồn thạo tin hôm 26/4 cho hay. Họ không cung cấp thông tin chi tiết về địa điểm cơ quan ngoại giao Mỹ có ca nhiễm và tử vong do nCoV, song Washington đang duy trì 5 lãnh sự quán ở các thành phố và một đại sứ quán ở thủ đô New Delhi.
Nguồn tin cho biết thêm các nhân viên ngoại giao người Mỹ và gia đình của họ ở Ấn Độ mới chỉ được tiêm vaccine Covid-19 trong vòng hai tuần qua. Trong khoảng 6 tuần gần đây, các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã tới thăm Ấn Độ hai lần, ngay cả khi ca nhiễm ở nước này tăng cao và chưa nhân viên ngoại giao Mỹ nào được tiêm phòng.
Một số nhân viên ngoại giao Mỹ ở Ấn Độ được cho là tức giận vì không nhận được thông tin rõ ràng về thời điểm tiêm vaccine Covid-19 cũng như không được ưu tiên tiêm chủng, dù họ là cán bộ ngoại giao.
Theo nguồn thạo tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nỗ lực để giúp các nhân viên ngoại giao ở Afghanistan và Iraq được tiêm sớm vaccine Covid-19, dẫn tới việc phái bộ ở Ấn Độ phải chờ muộn hơn.
"Vaccine đến quá muộn khiến hai người chết. Thật khủng khiếp", nguồn tin tiết lộ.
Khi được hỏi về vấn đề này, đại sứ quán Mỹ ở thủ đô New Delhi từ chối trả lời và đề nghị chuyển câu hỏi tới Bộ Ngoại giao để biết thêm thông tin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó khẳng định luôn đặt "an toàn và vấn đề an ninh của nhân viên" lên hàng đầu, cũng như luôn theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời cung cấp các biện pháp bảo vệ sức khỏe, bao gồm cung cấp vaccine cho các cán bộ ngoại giao.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ, phần lớn nhân viên ngoại giao Mỹ đã làm việc từ xa trong những tuần gần đây. Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi cũng cắt giảm bớt nhân viên làm việc trực tiếp trong trụ sở.
Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 17,6 triệu ca nhiễm và gần 200.000 ca tử vong do nCoV, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Nhiều quốc gia đã đình chỉ bay và cấm nhập cảnh người đến từ Ấn Độ trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp.
Ngọc Ánh (Theo CNN)