Cuộc chiến với Covid-19, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người trên thế giới, vẫn chưa kết thúc, bất chấp hàng loạt chiến dịch tiêm chủng lớn được triển khai, hứa hẹn đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Các nhà thờ khắp Hàn Quốc vắng tanh, các tín đồ thực hiện nghi thức cầu nguyện trực tuyến, khi đất nước báo cáo số ca nhiễm mới cao kỷ lục.
"Tôi rất buồn khi chứng kiến cảnh này", Park Jae-woo, một thành viên của Nhà thờ Phúc âm Yoido tại Seoul, nơi thường xuyên có tới 10.000 con chiên tới hành lễ thời điểm này, nói. Hôm nay, nhà thờ chỉ có thể đón 15 nhân viên và dàn hợp xướng.
Tại Philippines, nơi đa số người dân theo Công giáo, cả đất nước rung chuyển bởi trận động đất mạnh 6,3 độ. Sự kiện này đã phá hỏng bầu không khí Giáng sinh vốn ảm đạm vì lệnh cấm tiệc tùng và ca hát do Covid-19.
Dù thời tiết ấm áp, những người thường xuyên đi dã ngoại ở Australia cũng tránh tới bãi biển Bondi ở Sydney, trong khi những con sóng vắng bóng Ông già Noel lướt ván, chỉ có cảnh sát tuần tra đảm bảo người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Giáo hoàng Francis, lãnh tụ tinh thần của 1,3 tỷ người Công giáo trên toàn cầu, cử hành thánh lễ đêm Giáng sinh tại thánh đường St.Peter trước khoảng 200 tín đồ đeo khẩu trang, chủ yếu là nhân viên của Thành Vatican nhỏ bé.
Buổi lễ thường được cử hành lúc nửa đêm theo truyền thống, nhưng năm nay phải tổ chức sớm hơn hai giờ để đáp ứng quy định giới nghiêm của Italy. Vào tối 24/12, Quảng trường St Peter, nơi thường chật ních người vào đêm Giáng sinh, nay vắng vẻ, chỉ có ánh sáng hắt lên từ cây thông Noel cao chót vót và đèn pha của một xe cảnh sát.
Quy định hạn chế Covid-19 mới áp dụng từ hôm 24/12 trong thời gian Giáng sinh và Năm mới trên khắp Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus ở châu Âu, với gần 71.000 người chết và hơn hai triệu ca nhiễm.
Giáo hoàng Francis nhấn mạnh Giáng sinh không phải là thời gian để "than thở về mất mát của bản thân, mà hãy xoa dịu nước mắt của những người khốn khổ" cũng như phụng sự "người nghèo khổ".
Bethlehem, nơi những người theo đạo Thiên chúa tin là nơi Chúa Jesus sinh ra, đang chuẩn bị cho một lễ Giáng sinh không giống bất kỳ lễ Giáng sinh nào trong lịch sử hiện đại.
Thánh lễ đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chúa Giáng sinh theo truyền thống là điểm nhấn của mùa lễ, khi hàng trăm nghìn du khách sẽ đổ về thành phố Palestine ở Bờ Tây.
Năm nay, họ chỉ được dự lễ qua hình thức trực tuyến. Chỉ một số linh mục và cá nhân được phép vào trong thánh đường, nơi đã được phun khử khuẩn trước buổi lễ.
"Mọi người đều cảm thấy tối tăm, mệt mỏi, kiệt sức, dưới áp lực của gánh nặng đại dịch đang bủa vây cuộc sống", Pierbattista Pizzaballa, thượng phụ Latinh của Jerusalem, nói.
Ở vùng đông bắc Syria đang bị chiến tranh tàn phá, hàng trăm người dân tại một khu dân cư chủ yếu theo đạo Thiên chúa tại thị trấn Qamishili đã bỏ khẩu trang và đội mũ ông già Noel, cẩn thận thắp sáng cây thông Noel.
"Chúng tôi lo ngại các lễ kỷ niệm sẽ bị hủy trong năm nay vì Covid-19, nhưng bạn thấy đấy, ai cũng đang chúc mừng và chúng tôi rất vui", Maria Danhou, 36 tuổi, người mẹ có hai con, nói.
Đức đã buộc phải hủy các khu chợ Giáng sinh nổi tiếng, trong khi tại Kuwait, nhà thờ đóng cửa tới 10/1 dù quốc gia này có một cộng đồng lớn người Cơ Đốc giáo sinh sống.
Nhiều người đã phải sống trong vòng cách ly suốt năm qua và sẽ tiếp tục cách sống này tới Giáng sinh, thậm chí lâu hơn, như ở Bỉ, nơi người dân bị hạn chế chỉ được đón một khách tới nhà.
Trong khi đó, người dân Anh đang bị cô lập với những vùng đất khác trên thế giới vì sự xuất hiện của một chủng nCoV mới. Một số hạn chế ở biên giới Anh đã được nới lỏng trong kỳ nghỉ lễ, nhưng hàng nghìn người từ các quốc gia châu Âu khác vẫn mắc kẹt ở Anh.
"Ở nhà vào Giáng sinh ư? Quên đi", Laurent Beghin, tài xế lái xe tải người Pháp đã giao hết hàng hóa của mình tại Anh nhưng vẫn mắc kẹt ở đây nhiều ngày, nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)