Vợ của y sĩ Lưu Văn Khanh đang mang thai hơn 8 tháng. Chị ở nhà dưỡng thai và chăm sóc con trai lớn, cùng bố mẹ chồng. Còn anh Khanh, 32 tuổi, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, làm việc trong khu cách ly ở Trường tiểu học Lai Cách. Nhiệm vụ của anh là theo dõi sức khỏe và phụ trách về y tế cho hơn 100 người cách ly, gồm 62 học sinh, 41 phụ huynh, 7 giáo viên Trường tiểu học Lai Cách.
Nhìn những em nhỏ phải xa nhà đi cách ly y tế, anh Khanh chia sẻ rằng nhớ về gia đình của mình. Tối 1/2, anh nhận nhiệm vụ cấp tốc, chỉ kịp trở về nhà lấy vài bộ quần áo, dặn vợ rồi lên đường đi ngay. Câu nói của vợ khiến anh chững lại: "Anh đi rồi, ai đưa em đi sinh?". Mỗi lần nghĩ về câu nói ấy, anh Khanh lại cảm thấy day dứt.
"Hơn 8 tháng vợ mang thai thì tôi đến 3 lần phải đi công tác chống dịch. Người đàn ông nào lại đi vắng trong những lúc vợ cần mình nhất, dễ tủi thân nhất", anh nói. "Nhưng đã chọn lấy nghề y là chấp nhận gian lao. Chúng tôi đều xác định phải vượt qua những khó khăn cá nhân".
Trước khi lên đường, anh thống nhất với vợ đặt tên em bé sắp sinh là Đại An. Theo anh, Đại An nghĩa là "sự bình an lớn", là niềm mong muốn lớn nhất của anh lúc này.
"Có đi vào tâm dịch, có đứng giữa cuộc chiến, mới thấm thía cái giá trị đích thực của sự bình an. Sau này, mỗi lần gọi con, con sẽ biết trân quý bình yên sau cuộc chiến chống Covid-19", anh nói.
Ca làm việc của anh bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc mỗi khi đêm muộn, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Công tác theo dõi sức khỏe, đảm bảo giãn cách đều phải đầy đủ, rõ ràng, khẩn trương, nghiêm túc. Bộ quần áo bảo hộ kín mít khiến cơ thể ướt nhẹp, gương mặt đầm đìa mồ hôi.
Anh bày tỏ đã quen với sự khó chịu và bất tiện của bộ bảo hộ. "Chưa bao giờ chúng tôi thấy nghề y thiêng liêng và giá trị như vậy. Có phải mặc thêm một bộ đồ bảo hộ nữa mà chống Covid-19 thành công, chúng tôi vẫn sẵn sàng", y sĩ Khanh nói.
Anh cho biết, thương nhất là các em học sinh có bố mẹ công tác xa, không thể đi cách ly cùng. "Các bé đứng khóc một góc, tôi là đàn ông nhưng cũng không cầm lòng nổi. Các em cũng là chiến binh của cuộc chiến này".
Các em học sinh Lai Cách gọi y sĩ Khanh là "chú siêu nhân" bởi vì mọi việc như vui chơi, sinh hoạt đều được anh lo lắng chu toàn. Chị Nguyễn Thúy An, 35 tuổi, phụ huynh lớp 4D, trường tiểu học Lai Cách, cho biết đã qua 4 ngày cách ly nhưng chưa biết mặt nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
"Tôi ở nhà có vài đứa con quản lý còn khó, ở đây, một mình Khanh phải lo cho cả trăm người, thật sự vất vả", chị nói. Theo chị An, những người dân Lai Cách rất cảm động và biết ơn anh Khanh, chỉ mong hết dịch để được gặp, bắt tay, nhìn mặt, nói lời cảm ơn.
11 năm làm nghề y, đây là lần đầu tiên anh Khanh tham gia chống đại dịch có mức độ lây lan cao. Nhưng anh không sợ hãi: "Nếu được chọn lại nhiều lần nữa, tôi vẫn xin tình nguyện tham gia vào hàng ngũ mặc áo blouse trắng tham gia chống dịch".
Trước khi vào ca làm việc mới, anh thường thầm nhủ: "Vợ ơi, em ở nhà yên tâm sinh con nhé, bố mẹ thay anh cạnh em rồi. Anh hứa anh sẽ bình an trở về với em và 2 con. Đại An, chờ bố con nhé!"
Chi Lê - Huy Hoàng - Đức Tùy