Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng sáng 6/7, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Covid-19 là cú hích trăm năm để đẩy nhanh chuyển đổi số trên bình diện toàn quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam với lợi thế có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin mạng, theo ông, đây là lúc phát huy đưa đất nước bứt phá, thay đổi thứ hạng.
"Khi khó khăn thì dễ ra các quyết định lớn. Lúc này, các doanh nghiệp cần ra các quyết định áp dụng mô hình quản trị mới, mô hình kinh doanh mới, mở rộng không gian, sáng tạo các sản phẩm dịch vụ mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số", ông nói.
Ông nói thêm, ngành sẽ đặt mục tiêu đưa dịch vụ công trực tuyến đạt 100% lên mức độ 4, chậm nhất vào năm 2021; 100% các địa phương triển khai trục kết nối liên thông dữ liệu; 100% các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan, chính quyền phải thực hiện bảo vệ 4 lớp ngay trong năm 2020.
Ông cũng lưu ý các doanh nghiệp ngành ICT ần chú trọng, phát triển thị trường trong nước bởi 100 triệu dân là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. "Xây dựng nền kinh tế tự chủ 'Make in Vietnam' khi đất nước có tình huống khẩn cấp thì mới thấy ý nghĩa của nó. Dù toàn cầu hoá, mở cửa vẫn phải nghĩ đến tình huống bị cô lập", ông Hùng nói.
Người đứng đầu Bộ Thông tin & Truyền thông nói sẽ phát triển 4 ngành doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam, gồm doanh nghiệp làm chủ công nghệ nói, doanh nghiệp phát triển sản phẩm giải pháp, doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ông cũng nhắc lại mục tiêu phổ cập smartphone cho 100% người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình có 1 đường truyền internet cáp quang tốc độ cao...
Về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, đón làn sóng FDI mới, Bộ trưởng cho rằng các doanh nghiệp ICT không chỉ nhận chuyển giao, phải sẵn sàng là đối tác, hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi và sản phẩm. Các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phủ sóng 5G đảm bảo hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao... để đón làn sóng đầu tư mới.
Riêng về "rác" viễn thông, tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, đến hết năm nay, bộ sẽ xử lý căn bản tình trạng này. "Tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp nếu còn tiếp diễn tình trạng SIM rác trên thị trường", ông Tâm nói.
Gần đây, để hạn chế tình trạng "rác" viễn thông, cơ quan này đã đưa ra nhiều giải pháp như yêu cầu nhà mạng cắt liên lạc thuê bao phát tán cuộc gọi rác từ tháng 7, hay doanh nghiệp viễn thông phải dừng bán bộ hòa mạng tại các đại lý ủy quyền...
Cũng trong năm nay, ông Phan Tâm cho biết, trong tháng 7 sẽ cho triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới thử nghiệm thương mại mạng 5G dùng thiết bị Việt vào tháng 10.
Đồng thời, cơ quan này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất smartphone 4G giá dưới 1 triệu đồng để hướng tới mục tiêu phổ cập smartphone cho 100% người dân Việt Nam, mỗi gia đình có 1 đường cáp quang, nhằm tạo tiền đề chuyển đổi số, kinh tế, xã hội số và chính phủ điện tử.
Anh Tú