Covid-19 bùng phát lần thứ tư, mô hình WFH (làm việc tại nhà), hay Hybrid Workplace (mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng) đã trở thành trạng thái bình thường mới được nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhanh chóng thích nghi, trong đó có Tập đoàn Asanzo. Hiện sau hơn ba tháng áp dụng mô hình hỗn hợp, ông Phạm Văn Tam, nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn cho biết, dù có khó khăn ban đầu, mô hình làm việc mới khiến đội ngũ nhân sự thay đổi nhiều - tính tự giác, làm việc khoa học hơn. Tất cả đều được số hóa với năng suất lao động cao.
Thách thức khi áp dụng mô hình làm việc mới
Theo ông Phạm Văn Tam, thời gian đầu khi áp dụng mô hình làm việc mới, công ty phải đối mặt với loạt thách thức như thiếu sự tương tác trực tiếp dẫn đến bất đồng quan điểm; khó kiểm soát hiệu suất làm việc của nhân viên; chi phí xét nghiệm, đưa đón tốn kém; công nghệ chắp vá...
Là doanh nghiệp chuyên về sản xuất nên ngay khi có chỉ thị giãn cách 15, ông Tam đã đăng ký cho 20% công nhân ở và làm việc tại nhà máy, còn lại làm việc từ xa. Lúc này, toàn bộ khâu quản lý, báo cáo đều qua mạng với bất cứ phần mềm nào khả dụng, như zalo, zoom... Trong khi đó, nhân sự hạn chế về công nghệ, đường truyền chập chờn dẫn đến thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, thậm chí dễ bất đồng.
Ông Tam lấy ví dụ, thời gian đầu họp và bàn giao công việc trực tuyến, tập đoàn gặp nhiều khó khăn khi họp nhóm vì mạng yếu, thời gian thiếu tính thống nhất, thường xuyên xảy ra tình trạng đổ lỗi cho nhau, hay đổ lỗi do đường truyền không nghe thấy, làm giảm tiến độ công việc, sụt giảm doanh thu.
Nhận thấy khó khăn lớn khi làm việc theo mô hình mới là công nghệ, ông Tam đã từng bước chuyển công ty lên môi trường số. CEO Asanzo tìm đến các chuyên gia, tổ chức về công nghệ và xem họ như một thành phần của công ty, tin tưởng bàn giao toàn bộ dữ liệu quan trọng với mục tiêu sớm đưa công ty số hóa thành công.
"Sau hơn ba tháng, phần công nghệ đã ổn định hơn, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để hướng tới một môi trường làm việc số hóa hiện đại và chuyên nghiệp", ông Tam cho hay.
Bên cạnh đó, là vấn đề quản trị nhân sự - làm sao để nhân viên làm việc từ xa vẫn đạt hiệu suất cao, trung thực và chuyên nghiệp. "Nếu trước đây chúng tôi quản lý nhân sự bằng cách kiểm soát thời gian đi làm trễ 15 phút, 20 phút... thì giờ đây khi làm việc theo mô hình mới, chúng tôi gần như bỏ cách thức này, chuyển sang khoán tất cả đầu việc. Như thế vừa có lợi cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí lại linh hoạt cho nhân viên", ông Tam nhận định.
Quyết tâm số hóa với hybrid working
Sau hơn ba tháng áp dụng mô hình làm việc Hybrid Workplace, đại diện Asanzo cho biết doanh nghiệp đã nỗ lực để duy trì đội ngũ nhân viên, công nhân đang có, đồng thời tăng trưởng doanh thu và hướng đến môi trường làm việc số hóa, thích nghi với giai đoạn bình thường mới.
Ông Tam lấy ví dụ, trước đây nhân viên thường đi lại trong nhà máy để lấy nguyên vật liệu một cách tự phát, không theo trật tự. Trong đại dịch, để hạn chế tối đa tiếp xúc, họ phải đi theo lộ trình được thiết kế riêng với dây chuyền, máy móc hỗ trợ, xác nhận bằng chữ ký số để nhận đơn hàng, đưa vào sản xuất. Tất cả đều được số hóa với năng suất lao động cao hơn.
"Chúng tôi từng phải bỏ ra rất nhiều tiền để thuê chuyên gia hướng dẫn cho công nhân các quy trình tư động hóa. Nhưng giờ mọi người tự ý thức được việc này, tự học hỏi nhau mà không cần áp lực nào từ ban quản lý. Đó là nền tảng quan trọng cho việc áp dụng Hybrid Workplace trong tương lai", ông Tam nói.
Bên cạnh đó, ông Tam đánh giá mô hình làm việc mới có thể có lợi cho doanh nghiệp về vấn đề quản trị, đỡ tốn chi phí. Tuy nhiên, người lãnh đạo, các trưởng nhóm phải đào tạo được nhân viên có kiến thức về công nghệ, chuyên nghiệp và tự giác hơn.
"Hiện tập đoàn làm việc theo hình thức hybrid working và bắt đầu hình thành thói quen, chi phí vận hành công ty cũng giảm, tạo thuận lợi cho những nhân viên ở xa không phải đi lại nhiều. Đây cũng là mô hình mà chúng tôi hướng tới trong tương lai", ông Tam cho biết thêm.
Thế Đan