Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) những ngày này bớt hối hả hơn so với thời điểm căng thẳng nhất hồi tháng một. Khoa từng mở rộng thêm hai đơn nguyên ở tầng 3 và 4 của bệnh viện để đáp ứng điều trị khoảng 90 F0 nặng, mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 F0. Hiện nay, khoa chỉ tiếp nhận khoảng 4 F0 một ngày, còn điều trị 13 ca thở máy, 16 ca thở oxy, số ca lọc huyết tương, lọc máu, thở HFNC mỗi loại một ca tính đến 6/4.
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết khoa còn duy trì một đơn nguyên ở tầng 3 của bệnh viện để điều trị Covid-19, đơn nguyên tầng 4 đã dừng hoạt động, đơn nguyên chính ở tầng một được khử trùng để cấp cứu bệnh nhân thường khác.
Toàn viện hiện còn khoảng 150 bệnh nhân Covid-19, trong đó 2 ca ECMO điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Bệnh viện vẫn tiếp nhận điều trị Covid-19, từ ngày 4/4 bắt đầu tiếp nhận điều trị các bệnh lý khác.
Tương tự, các bệnh viện điều trị Covid-19 khác tại Hà Nội một tuần qua cũng ghi nhận số ca giảm. Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, đến ngày 5/4 thành phố còn hơn 174.300 F0 đang điều trị, theo dõi, trong đó có 906 ca tại bệnh viện, 6 ca tại cơ sở thu dung. Như vậy, số F0 điều trị tại viện đã giảm khoảng 1,7 lần so với tuần trước, số nhiễm mới giảm 1,3 lần. Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội đến nay hơn 1,5 triệu, cao nhất cả nước và gấp ba lần TP HCM.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện Hà Nội có 111 ca phải thở oxy, trong đó 13 ca thở máy. Số ca đang điều trị của Hà Nội giảm 0,13% so với trung bình 7 ngày trước; số ca bệnh mới giảm 0,31% so với tuần trước. Số tử vong do Covid-19 trong ngày từ 13 ca (hôm 10/3) còn một ca (ngày 5/4).
Tại TP HCM dịch Covid-19 cũng giảm nhiệt. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tính đến ngày 3/4 thành phố ghi nhận 597.402 ca, số ca mắc mới trong 5 ngày trước đó có xu hướng giảm - từ gần 1.000 ca xuống còn 347 ca. Tương tự, số bệnh nhân nhập viện mỗi ngày luôn thấp hơn số ca xuất viện và ngày càng giảm dần. Hiện, khoảng 2.500 bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế. Hơn một tháng qua, số ca tử vong giảm thấp, khoảng 10 ngày nay ghi nhận một ca tử vong mỗi ngày.
Số ca nhiễm toàn quốc cũng có xu hướng đi xuống trong tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Từ mức hơn 450.000 ca nhiễm (ngày 12/3) giảm dần xuống hơn 111.000 ca (ngày 29/3) và còn hơn 50.000 ca (hôm 5/4) - tức giảm khoảng 9 lần. Số ca nặng cũng giảm khoảng một nửa sau gần một tháng, từ hơn 3.800 (hôm 9/3) xuống hơn 2.400 ca vào ngày 5/4.
Ngày 6/4, trả lời VnExpress, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống trên toàn quốc là "tín hiệu rất vui mừng". TP HCM và Hà Nội đã mở cửa trở lại nhiều hoạt động, bao gồm cho học sinh tiểu học và mầm non đi học trở lại - là minh chứng cho thấy hai thành phố này và nhiều địa phương khác đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt của Covid-19.
"Dịch bệnh đã được kiểm soát", Thứ trưởng Sơn nói và cho rằng Covid-19 hạ nhiệt còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế. Người dân đã tham gia vào chiến dịch tiêm chủng vaccine và đạt được kết quả rất cao.
Tính đến ngày 5/4, cả nước đã tiêm hơn 207 triệu liều vaccine, trong đó 100% người trên 18 tuổi tiêm mũi một, 99% tiêm mũi hai, 50% tiêm mũi ba; 99% trẻ 12-17 tuổi tiêm mũi một và 94% tiêm mũi hai. Tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc và nhóm nguy cơ cao được chăm sóc, vì vậy tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm giảm sâu.
Việt Nam cũng tự chủ được nguồn thuốc kháng virus điều trị Covid-19 với 3 công ty tham gia sản xuất, có thể cung ứng khoảng 160 triệu viên molnupiravir một tháng. Công ty Stellapharm Việt Nam cũng được chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc chứa hoạt chất nirmatrelvir của Pfizer, đang sản xuất thử nghiệm các lô ban đầu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, dù Covid-19 có xu hướng giảm nhưng ngành y tế sẽ tiếp tục giám sát chặt dịch bệnh và đưa ra các khuyến cáo cần thiết. Một trong những nhiệm vụ thời gian tới được Bộ Y tế đặt ra là phòng chống biến chủng mới. Kế hoạch phòng chống biến chủng được Bộ Y tế đặt ra dựa theo 3 kịch bản của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong đó, kịch bản một là virus có thể tiếp tục tiến hóa từ Omicron, BA.1, BA.2, XE (là biến chủng lai BA.1 và BA.2)... Từ đó, Bộ Y tế vẫn theo dõi bằng phân tích dịch tễ và trong phòng xét nghiệm để phát hiện kịp thời biến chủng xâm nhập vào Việt Nam. Trong kịch bản này, nhóm nguy cơ cao vẫn cần tiếp tục tiêm chủng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, nâng cao miễn dịch từng cá thể. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng XE.
Kịch bản thứ hai là sẽ xuất hiện biến chủng virus giảm độc lực, Covid-19 trở thành bệnh lý thông thường, lúc đó giảm vai trò của vaccine, nghiên cứu về vaccine.
Kịch bản thứ ba là dịch bệnh có thể diễn biến xấu hơn, biến chủng mới xuất hiện làm giảm tác dụng bảo vệ của vaccine. Đối với hai kịch bản này, Bộ Y tế tiếp tục giám sát dịch tễ, đặc biệt là giải trình tự gene virus để tìm ra biến chủng mới, sẵn sàng tình huống đối phó. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 38 và Chương trình phòng chống dịch quốc gia năm 2022.
Thứ trưởng Sơn cũng khuyến cáo cộng đồng không chủ quan khi thấy Covid-19 có xu hướng hạ nhiệt. Người dân vẫn cần tuân thủ không tập trung đông người trong ngày lễ, dịp giỗ tổ và 30/4 tới. Ông mong người dân ủng hộ chương trình tiêm chủng vaccine cho trẻ 5-11 tuổi trong chiến dịch tiêm chủng sắp tới, để nhóm tuổi này được bảo vệ trước dịch bệnh. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo tiêm chủng ngay sau khi có nguồn vaccine về.
Chi Lê - Anh Thư - Lê Phương