Hiện tượng đột quỵ xảy ra ở các trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình, các bác sĩ tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, thành phố New York, báo cáo hôm 23/4.
Trước đó, báo cáo của các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho thấy Covid-19 có thể gây ra đông máu bất thường. Tình trạng này cũng dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Thomas Oxley, khoa phẫu thuật thần kinh tại Mount Sinai và các đồng nghiệp chứng kiến 5 bệnh nhân bị đột quỵ. Tất cả đều dưới 50 tuổi, có triệu chứng Covid-19 nhẹ hoặc không biểu hiện gì.
"Virus làm đông máu trong các động mạch lớn, dẫn tới đột quỵ nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, tỷ lệ đột quỵ ở bệnh nhân trẻ tuổi đã tăng gấp 7 lần trong hai tuần vừa qua. Hầu hết họ không có tiền sử bệnh lý, nhiễm nCoV với triệu chứng nhẹ", ông nói.
Đa số bệnh nhân đột quỵ do tắc mạch máu não, điều khá hiếm thấy ở người trẻ tuổi. Tình trạng này có thể để lại di chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, ít nhất một bệnh nhân đã chết, số khác đang trong giai đoạn hồi phục chức năng, chăm sóc tích cực sau khi đột quỵ.
"Cục máu đông dần phát triển, nằm ở một trong những động mạch lớn nhất não. Tắc mạch máu não dễ dẫn tới suy giảm chức năng nghiêm trọng", bác sĩ Oxley nói. Máu ngừng lưu thông càng lâu, số tế bào chết càng nhiều, tổn thương lan rộng.
"Cách điều trị hiệu quả nhất là loại bỏ cục máu đông. Ca phẫu thuật mất ít nhất 6 giờ, đôi khi là một ngày", ông Oxley cho biết.
Dịch bệnh quét qua, nhiều cơ sở y tế tại Mỹ quá tải. Bệnh nhân dần tỏ ra e ngại khi phải gọi cấp cứu, thậm chí trong các trường hợp nghiêm trọng. Nguy cơ lây nhiễm chéo cũng khiến nhiều người lo sợ phải nhập viện. Song các chuyên gia cho rằng điều này là tuyệt đối sai lầm.
Bác sĩ Oxley và các đồng nghiệp khuyến cáo người dân lập tức liên lạc nhân viên y tế nếu thấy dấu hiệu đột quỵ. Các triệu chứng bao gồm khó đi lại, giao tiếp, tê hoặc yếu một bên cơ thể, rối loạn thị lực, đau đầu dữ dội...
Thục Linh (Theo CNN)