Những thông điệp Trump đưa ra đang gây khó hiểu và bối rối cho người dân Mỹ về việc bao giờ thì họ nên xét nghiệm nCoV.
Tổng thống Donald Trump chiều 13/3 cố gắng trấn an người dân rằng chính quyền Mỹ đang tập trung hoàn thiện quy trình xét nghiệm nCoV và sẽ sớm ổn định tình hình. Tuy nhiên, ông lại phát đi tín hiệu khó hiểu về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như việc ai nên được kiểm tra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo về Covid-19 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 13/3. Ảnh: AFP.
Trước đó, Trump và các quan chức trong chính quyền tuyên bố sẽ sớm giải quyết tình trạng năng lực xét nghiệm của hệ thống y tế chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông cũng tiếp tục tìm cách bác bỏ những mối đe dọa từ nCoV, nói rằng không nghĩ cần phải xét nghiệm quá nhiều.
"Mọi thứ sẽ được giải quyết rất nhanh, chúng tôi sẽ nâng số ca có thể xét nghiệm lên 1,4 triệu vào tuần tới và 5 triệu trong cả tháng", Trump cho hay trước khi nói thêm: "Tôi nghi ngờ việc chúng ta cần nhiều đến thế".
Dù khẳng định chính phủ đang đẩy nhanh sản xuất các bộ xét nghiệm nCoV, Trump vẫn khuyên người dân không nên thực hiện xét nghiệm nếu chưa thực sự cần. Ông một lần nữa nhấn mạnh rằng Covid-19 sẽ sớm biến mất.
"Nhưng tôi không muốn mọi người đổ đi làm xét nghiệm khi chúng ta cảm thấy chưa cần", Trump nói. "Chúng tôi không muốn tất cả mọi người đều làm xét nghiệm. Điều này là hoàn toàn không cần thiết. Dịch bệnh rồi sẽ qua".
Tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 13/3, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào khả năng Trump có thể bị nhiễm virus. Ông từng xuất hiện tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ, nơi một người tham dự sau đó dương tính với nCoV.
Nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa đã tiếp xúc với bệnh nhân kể trên và Trump dường như đã tương tác với họ sau đó. Hồi cuối tuần trước, Trump còn chụp ảnh chung cùng Fabio Wajngarten, thư ký báo chí của Tổng thống Brazil, người cũng đã dương tính với nCoV.
Dù có nguy cơ cao nhiễm virus, Trump cho biết ông vẫn chưa xét nghiệm nCoV. Để dẹp tan những hoài nghi, ông thậm chí còn nói không biết trợ lý của Tổng thống Brazil là ai.
"Đầu tiên, tôi không trở về từ nơi nào đó mà người ta nói là có người nhiễm virus. Tôi không biết người đấy là ai nhưng tôi có chụp ảnh và mọi thứ chỉ diễn ra trong khoảng vài giây. Tôi không biết gì về quý ông mà chúng ta đang nói tới cả, tôi không biết ông ấy là ai. Tôi còn chưa xem bức ảnh... Tôi chụp hàng trăm bức ảnh mỗi ngày và trong đêm đó, tôi cũng chụp hàng trăm tấm".
Quan chức y tế hàng đầu chính quyền Trump Anthony S. Fauci cùng ngày cho biết bất kỳ ai tiếp xúc với người nhiễm nCoV đều nên được xét nghiệm và tự cách ly, nhưng tránh trả lời câu hỏi đề cập trực tiếp đến Trump.
Giải thích cho việc không xét nghiệm, Trump nói ông không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ sau đó lại nói rằng mình "nhiều khả năng" sẽ xét nghiệm, song khẳng định ông làm vậy không phải vì những nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng.
"Không phải vì lý do đó nhưng vì tôi nghĩ kiểu gì mình cũng làm việc này. Chúng tôi đang lên kế hoạch", Trump cho hay.
Thông điệp từ Trump đang khiến không ít người cảm thấy bối rối. Những người đã tiếp xúc với người nhiễm nCoV nên đi xét nghiệm như lời Fauci nói hay nên chờ đến khi có triệu chứng như lời Trump gợi ý.
Một điều chắc chắn là Tổng thống Mỹ đã tiếp xúc với rất nhiều người dù ông có nguy cơ nhiễm virus. Ông thậm chí còn bắt tay với những người xung quanh mình tại cuộc họp báo ngày 13/3.
Việc Trump chưa xét nghiệm nCoV đi ngược lại những lời khuyên mà các quan chức y tế dưới quyền ông đưa ra. Mặt khác, việc Trump nói sẽ xét nghiệm dù không có triệu chứng còn đi ngược lại những tuyên bố của ông tại đầu buổi họp báo.
Cách Trump xử lý cuộc khủng hoảng nCoV đến nay vẫn thiếu sự thống nhất và buổi họp báo tại Vườn Hồng lại càng minh chứng cho điều này rõ nét hơn, chuyên gia nhận định.