"Tác động của dịch Covid-19 tới các dịch vụ y tế thiết yếu rất đáng lo ngại", báo cáo công bố hôm 31/8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. "Những thành tựu trong lĩnh vực y tế đạt được trong hai thập kỷ qua có thể bị xóa sổ chỉ trong thời gian ngắn".
Theo cuộc khảo sát thực hiện giữa tháng 5 và 7 tại hơn 100 quốc gia, các dịch vụ y tế quan trọng ở hầu hết các nước đều bị gián đoạn, đe dọa tính mạng những người không nhiễm nCoV. Các nước thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
70% dịch vụ tiêm chủng định kỳ ở các nước được khảo sát chịu tác động từ dịch Covid-19, theo sau là kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%), dịch vụ cấp cứu (25%).
Dịch vụ y tế ở khu vực Đông Địa Trung Hải, gồm Afghanistan, Syria và Yemen bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đó là châu Phi và Đông Nam Á.
"Sự chậm trễ đáng kể ở bất kỳ dịch vụ nào cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực lâu dài cho sức khỏe dân số", cơ quan y tế Liên hợp quốc trụ sở tại Geneva cảnh báo. "Các tác động có thể lớn hơn những gì cảm nhận khi đại dịch đang diễn ra, bởi trong nỗ lực đáp ứng dịch vụ, nguồn lực y tế ở các nước có thể bị quá tải".
Các nhà nghiên cứu tin rằng sự gián đoạn khiến số ca tử vong không liên quan tới nCoV tăng mạnh. Họ cũng thừa nhận rất khó để tính toán chính xác quy mô ảnh hưởng thực sự, bởi các nước Mỹ Latin, trong đó có Mỹ và Brazil, hai vùng dịch lớn nhất thế giới, không nằm trong danh sách khảo sát.
Các biện pháp phong tỏa và vấn đề tài chính nhiều nước gặp phải giữa đại dịch được cho là một nguyên nhân. Ngoài ra, thiếu hụt nguồn cung thiết bị y tế, tập trung y bác sĩ từ các ngành để điều trị Covid-19 cũng khiến tình hình xấu đi.
"Khảo sát đã cho thấy những vết nứt trong hệ thống y tế, cũng là lời gợi ý cần có những chiến lược mới nhằm nâng cao dự phòng y tế trong và sau đại dịch", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu. Ông nhấn mạnh nên coi đại dịch Covid-19 là "một bài học với tất cả các nước", rằng sức khỏe "không phải một phép toán loại trừ".
"Chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp, cần tiếp tục đầu tư vào các hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ nhu cầu con người trong suốt cuộc đời", ông Tedros nói.
Lê Hằng (Theo Reuters, RT)