Chú Văn Tám (63 tuổi, Cần Giuộc, Long An) hất văng tô cơm đang ăn chỉ vì vợ làm món thịt vịt kho không đúng ý; vùng vằng bỏ đi sang nhà hàng xóm, ngồi hút thuốc. Chú Tám vốn có tính gia trưởng, thường tụ tập nhậu nhẹt cùng các chiến hữu vào mỗi chiều. Thời gian giãn cách, suốt ngày chú chỉ quanh quẩn trong nhà, không có bầu bạn đâm ra bức bối.
Cô Thủy (vợ chú Tám) chia sẻ, những khi không vừa ý chuyện gì là chú dằn mâm xán chén, kiếm chuyện to tiếng với vợ. Vốn quen với bản tính của chồng gần 50 năm nay nên cô cố chịu đựng. "Mình nhịn một chút vẫn hơn, đôi co qua lại chỉ lớn chuyện cũng chẳng thay đổi được gì; rồi tội cho con cái, tới tai sui gia lại bẽ mặt", cô nói.
Bị ảnh hưởng bởi Covid-19, anh Minh Thương (gần 45 tuổi, làm nghề lái xe tại quận Tân Bình, TP HCM) phải tạm nghỉ ở nhà. Hai đứa con trai của anh tuổi ăn tuổi lớn nhưng suốt ngày mê chơi game, chẳng nhờ vả được việc gì. Nhìn con lêu lổng trong khi gia đình thì túng thiếu, anh Thương buồn bực mắng vợ không biết dạy con. Chị vợ trong cơn bực tức liền bảo "có ngon thì dạy đi". Kẻ nói qua người nói tiếng lại, vợ chồng suốt ngày inh ỏi, hàng xóm làng giềng đều phiền lòng.
Trường hợp của gia đình chú Tám, anh Thương không hiếm gặp trong bối cảnh Covid-19. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Covid-19 ảnh hưởng đến kế sinh nhai và làm xáo trộn đời sống của nhiều gia đình. Bên cạnh ảnh hưởng đối với nền kinh tế, dịch bệnh cũng hé lộ nhiều khía cạnh bất bình đẳng giới đáng quan ngại. Gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc con, khó tiếp cận dịch vụ sức khỏe gia tăng khi giãn cách, nguy cơ bạo lực, các vấn đề sức khỏe tinh thần... nổi lên thời gian qua. Phụ nữ bị bạo lực gia tăng 30-300% trong bối cảnh dịch bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 30% phụ nữ trên thế giới từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong đời. Bạo lực ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần, tình dục, khả năng sinh sản và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.
Trong báo cáo do WHO đưa ra vào tháng 3/2021, hạn chế đi lại trong bối cảnh Covid-19 và các tác động xã hội, kinh tế của dịch bệnh làm tăng khả năng tiếp xúc của phụ nữ với bạn trai, bạn đời hoặc các đối tượng khác, hạn chế khả năng tiếp cận của họ với tổ chức bảo vệ nữ quyền. Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực hiện có, dẫn đến các hình thức bạo lực mới với phụ nữ.
"Bạo lực với phụ nữ là vấn đề phổ biến ở các quốc gia và nền văn hóa, gây tổn hại cho hàng triệu phụ nữ, gia đình của họ và trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch", Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Theo WHO, nhiều người phải tạm dừng công việc, thất nghiệp do dịch bệnh, thời gian vợ chồng, con cái chạm mặt nhau nhiều hơn. Chuyện cơm áo gạo tiền lúc khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống của một số gia đình "cơm không lành canh chẳng ngọt". Bí bách do dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến tâm lý theo chiều hướng tiêu cực. Trường học đóng cửa, gánh nặng chăm sóc đình gia đè lên vai người người vợ, người mẹ làm họ thêm căng thẳng. Phụ nữ ít tiếp xúc với gia đình, bạn bè, giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ khỏi bạo lực thời dịch.
Khi Covid-19 mới bùng phát, các nước cũng ghi nhận số lượng bạo lực gia tăng. Tại Anh, trong tháng 3-6/2020, cảnh sát London nhận 41.000 cuộc gọi yêu cầu giải quyết lạm dụng gia đình - tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo cảnh sát tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) số vụ bạo lực gia đình được báo cáo tăng gấp ba lần trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ, từ 47 lên 162 vụ. Thống kê của một chiến dịch từ thiện chống bạo hành gia đình tại Trung Quốc, 90% nguyên nhân của bạo lực trong giai đoạn này có liên quan đến Covid-19. Theo đài phát thanh Globo (Brazil), một trung tâm tình thương tiếp nhận tin báo về bạo hành gia đình trong các khu cách ly Covid-19 cho thấy có sự gia tăng 40% hoặc 50% số vụ.
Cách giúp phụ nữ phòng tránh nguy cơ bạo lực
Trong thông cáo vào tháng 3/2021 tại Thụy Sĩ, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ, không giống như Covid-19, không thể ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ bằng vaccine. Những nỗ lực sâu sắc và bền vững của các chính phủ, cộng đồng và cá nhân giúp thay đổi thái độ tiêu cực, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau.
WHO khuyến cáo các nước cần có những hoạt động, chính sách hỗ trợ phụ nữ phòng tránh bạo lực thời dịch. Các cơ sở y tế, nữ quyền, nhân đạo cung cấp cho chị em thông tin để liên hệ như đường dây nóng, tư vấn tâm lý, nơi trú ngụ... khi gặp bất ổn. Lắng nghe bằng sự đồng cảm, không phản xét, thu thập dữ liệu về trường hợp bạo lực là một trong những việc cần thiết.
Mọi người nên nhận thức nguy cơ gia tăng bạo lực đối với phụ nữ trong bối cảnh dịch bệnh và sẵn sàng giúp đỡ họ. Những nạn nhân của tình trạng này nên liên hệ với gia đình, bạn bè, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Lưu giữ thông tin cần thiết, đường dây nóng của tổ chức bảo vệ phụ nữ trong trường hợp cần thiết.
Một số cách giúp chị em giảm thiểu căng thẳng khi giãn cách theo hướng dẫn của WHO như cố gắng duy trì các thói quen hàng ngày, dành thời gian cho hoạt động thể chất, thư giãn, ngủ nghỉ, chăm sóc bản thân... Các bài tập thư giãn như thiền, yoga... giúp giảm bớt lo lắng, cảm xúc tiêu cực. Chị em chia sẻ và tâm sự nhiều hơn với gia đình, bạn bè qua các hình thức trực tuyến để cảm thấy tích cực hơn.
Nếu có bất ổn trong tình yêu, hôn nhân, các mối quan hệ của chính mình... bất cứ ai cũng có thể liên hệ với chương trình podcast "Bạo hành tinh thần" trên VnExpress để được lắng nghe, tư vấn. Podcast là nơi để chị em bày tỏ, cảm thấy bình tâm hơn, nhận được sự đồng cảm, sẻ chia.
Chương trình có sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và nhãn hàng Enat. Trong hành trình chăm sóc sắc đẹp của hàng nghìn phụ nữ Việt, Enat kỳ vọng có thể giúp chị em nâng cao giá trị của bản thân, được yêu thương và hạnh phúc.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Ngọc An