Sáng 16/4, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, cho biết lao động có việc làm trong quý I/2021 đã giảm một triệu người, xuống còn 49,9 triệu so với 50,9 triệu của quý trước. Gam màu xám của bức tranh lao động việc làm nửa cuối năm 2020 phần nào được cải thiện trước nỗ lực chống dịch và phục hồi kinh tế. Song Covid-19 bùng trước Tết Nguyên đán đã chặn đà khôi phục này.
Cả nước vẫn còn 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Hai phần ba trong số này thuộc độ tuổi từ 24 đến 54. Trong đó hơn nửa triệu người bị mất việc; 2,8 triệu người tạm dừng sản xuất; 3,1 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc giãn việc và 6,5 triệu người giảm thu nhập.
Thu nhập trung bình của người lao động trong 3 tháng qua đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339.000 đồng so với quý cuối năm 2020. Trong đó thu nhập của lao động nam cao hơn nữ 1,4 lần, thành thị gấp 1,5 lần so với nông thôn. Tuy nhiên mức tăng nêu trên không đều giữa các ngành. Ghi nhận ở một số ngành nghề như nghệ thuật, vui chơi giải trí vẫn giảm trên 5%, vận tải kho bãi giảm 2,7%.
Theo thống kê, khoảng 2 triệu thanh niên Việt Nam không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo. Tỷ lệ ghi nhận thời điểm này khoảng 16,3%, tăng gần 52.000 người ở cả thành thị và nông thôn so với trước khi có dịch.
Một bộ phận lao động tiềm năng cũng chưa được khai thác, nhất là nhóm lao động trẻ và càng hạn chế hơn trong Covid-19. Nhóm này là những người có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ, gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc không tìm được việc làm. Điều này phản ánh sự "lệch pha" giữa cung và cầu lao động, tỷ lệ thường tăng khi thị trường chịu cú sốc về kinh tế - xã hội. Trước khi dịch xuất hiện, tỷ lệ này là 4%, tăng lên cao nhất 6,2% vào tháng 6/2020 và giảm xuống còn 4,9% vào thời điểm này.
"Lao động không dùng hết tiềm năng dưới 35 tuổi chiếm hơn một nửa, cần thiết phải nghiên cứu chính sách để tận dụng nhóm lao động này", ông Nam khuyến nghị.
Đại dịch đã làm thay đổi thói quen làm việc, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin của người lao động để thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Ít nhất 78.000 lao động cho biết họ đã chuyển sang dùng công nghệ thông tin để giữ lấy việc làm so với việc không ứng dụng trước đó.
Tổng cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp để khắc phục tình trạng trên, như: Nhanh chóng áp dụng hộ chiếu vaccine, nghiên cứu mở thị trường du lịch quốc tế làm đòn bẩy vực dậy ngành dịch vụ, du lịch bởi nhóm này thu hút lượng lớn lao động...
Từ quý này, Tổng cục Thống kê sẽ công bố các chỉ tiêu lao động việc làm dựa theo tiêu chuẩn ICLS 19, thay thế tiêu chuẩn ICLS 13 áp dụng từ năm 1982. Theo tiêu chuẩn mới, lao động sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là người có việc làm như trước. Tiêu chuẩn mới ra đời khi khoa học phát triển mạnh, nhiều quốc gia chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại. ILO khuyến nghị dùng tiêu chuẩn mới để đảm bảo so sánh giữa các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển khác nhau.
Cả nước vẫn còn 3,5 triệu lao động làm công việc tự sản tự tiêu, nghĩa là sản xuất chủ yếu phục vụ cá nhân, gia đình trong khu vực nông, lâm, thủy sản. Nữ giới chiếm khoảng 70%, chủ yếu từ 50 tuổi trở lên. Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến 200.000 người trong nhóm này và khiến cơ hội tìm việc của họ càng thu hẹp hơn.
Hoàng Phương