Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry phát biểu tại phiên toàn thể khai mạc hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm nay, diễn ra tại Ai Cập, nhấn mạnh quyết định này tạo ra "một không gian ổn định cũng như cơ chế" để thảo luận về "tính cấp bách của việc thu xếp tài trợ".
Trong hơn một thập kỷ, các quốc gia giàu có đã từ chối các cuộc thảo luận về những mất mát và thiệt hại mà những nước nghèo phải chịu vì tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như làm thế nào để hỗ trợ họ.
Các cuộc thảo luận về tổn thất và thiệt hại hiện nay trong chương trình nghị sự COP27 sẽ không đảm bảo việc bồi thường hay nhất thiết quy kết trách nhiệm cho bên nào nhưng sẽ hướng đến một quyết định mang tính then chốt "không muộn hơn năm 2024", ông Shoukry nói.
Vệc đưa vấn đề bồi thường vì biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự COP27 được cho là sẽ buộc các quốc gia giàu có phải tham gia nhiều hơn vào chủ đề này.
"Họ thực sự mong đợi tinh thần đoàn kết hơn nữa từ các nước giàu có và Đức đã sẵn sàng cho việc này, cả về tài trợ khí hậu lẫn đối phó với những thiệt hại và mất mát", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết trong một tuyên bố.
Đức muốn thiết lập "một lá chắn bảo vệ chống lại rủi ro khí hậu" tại hội nghị, một sáng kiến mà nước này đang thực hiện với các quốc gia dễ bị tổn thương như Bangladesh và Ghana.
Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển, trụ sở ở Bangladesh, đánh giá đây là "tin tốt" khi vấn đề mất mát và thiệt hại vì biến đổi khí hậu đã chính thức nằm trong chương trình nghị sự.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)