Ở cái tuổi bị số đông cho là hết thời, Lê Công Vinh vẫn biết cách khiến tên anh xuất hiện ở trang nhất và những hàng tít chính của các tờ báo lớn. Vinh mở tỷ số, anh bỏ qua vài cơ hội tốt khác và anh gián tiếp dẫn đến tình huống mà Việt Nam bị gỡ hòa - thực hiện quả chuyền ngang vào cuối trận thay vì giữ bóng lại. Nhưng bóng đá cũng như cuộc sống luôn nghiệt ngã như thế, người hâm mộ thường dễ dàng nhìn vào những khuyết điểm, để rồi phủ nhận tất cả những gì tốt đẹp mà một cá nhân có thể làm được.
Đúng là Vinh có tình huống chuyền ngang thiếu khôn ngoan, về mặt đấu pháp. Là một thủ quân có kinh nghiệm trận mạc, Vinh thừa hiểu đấy là một tình huống mà anh có thể... câu giờ hợp lệ. Trước đường chuyền ấy, Vinh còn bỏ qua một cơ hội tuyệt vời khác trong pha đối mặt với thủ môn Iraq, khi tỷ số đang là 1-0. Ngoài ra, anh còn vài tình huống mất bóng trong tư thế có lợi so với hậu vệ đối phương.
Nhưng, cái thế trận phòng ngự có lợi mà Việt Nam giăng ra trước Iraq chẳng phải là xuất phát từ pha ghi bàn bất ngờ của Vinh đó sao? Pha bóng ấy hoàn hảo về mọi mặt, từ đường chuyền của Trọng Hoàng, pha di chuyển kinh nghiệm của Vinh đến cú dứt điểm trong tư thế đã loạng choạng của chàng tiền đạo xứ Nghệ.
Pha bóng ấy cho thấy thể lực lẫn phong độ của Vinh đã sa sút thế nào so với thời đỉnh cao. Chỉ một đường chuyền không mạnh, vậy mà cú chặn bóng đưa bóng đến tầm sút cũng khiến Vinh chao đảo. Nhưng cú ra chân khi đã mất đà ấy cho thấy sự tinh quái của người vẫn là chân sút số một bóng đá Việt Nam suốt cả thập kỷ qua. Sau đó, Vinh còn có một pha dốc bóng rất hay ở cánh trái, rồi chuyền đẹp cho Mạc Hồng Quân, nhưng Quân đã sút bóng vọt xà.
Hai pha bóng ấy khiến hàng thủ Iraq run rẩy. Nếu không có hai pha bóng đó, họ hoàn toàn có thể dồn quân lên pressing lên ngay trên phần sân Việt Nam. Nhưng vì Vinh, Iraq phải cài người lại ở sân nhà, để "canh chừng gã số 9", như cách HLV Yahya Alwan Manhal lao ra đường biên hét to chỉ đạo các học trò. Hai pha bóng nêu trên chính là những điểm nhấn về mặt chiến thuật của trận đấu, bởi Việt Nam đã không thể giữ tỷ số 1-0 lâu đến thế, nếu Iraq dồn toàn bộ quân số sang phần sân của Việt Nam.
Nhưng giống như triết lý về chiếc cốc vơi, người tiêu cực thì thấy ly nước đã vơi mất một nửa, kẻ tích cực thì vui mừng vì ly hãy còn đến một nửa. Công Vinh đi giữa những lời nhận xét trái chiều. Một bên cảm ơn anh vì bàn mở tỷ số, bên còn lại cay cú, vùi dập anh vì những tình huống xử lý bóng lỗi trong hiệp hai.
Những người thuộc nhóm thứ hai có lẽ sẽ ít chịu nhìn vào những bước di chuyển như không biết mệt mỏi của Vinh trong trận, khiến anh bị chuột rút vào cuối trận. Một đội bóng không thể phòng ngự hiệu quả, nếu tuyến đầu của họ không biết cách cầm bóng sâu bên phần sân đối phương để giảm tải cho các hậu vệ. Trong đội tuyển Việt Nam hiện tại, để giữ bóng trong tư thế có hậu vệ kèm ngay sau lưng, Vinh vẫn là một hảo thủ hàng đầu.
Và người hâm mộ có vẻ cũng quên mất đối thủ của Việt Nam hôm qua là... Iraq. Đó là nhà cựu vô địch châu Á, hơn chúng ta vài chục bậc trên bảng thứ tự FIFA. Họ đã dồn ép ta đến nhừ tử trong trận đấu, đã sút xa, sút gần, đệm bóng, đánh đầu đủ cả. Việt Nam trụ đến đó vốn đã là kỳ tích, và bàn gỡ của Iraq, kỳ thực, chỉ là điều sớm muộn mà thôi.
Trước trận, chính Công Vinh là người có phát biểu gây bão khi dự báo Việt Nam không có cửa đánh bại Iraq. Câu nói được cắt ra khỏi ngữ cảnh ấy bị đem ra mổ xẻ, phân tích như một tuyên bố kiểu chưa đánh đã hàng. Nhưng là người từng trải, Vinh hiểu đội bóng không thắng nhau bằng các phát ngôn trước trận, mà là bởi những tình huống trong trận. Vậy tiền đạo đội trưởng chẳng có lý do gì để không đưa ra một phát ngôn làm đối phương gật gù chủ quan, lại giải tỏa áp lực cho các đồng đội và chính ông thầy của anh.
Và chính cái người tuyên bố không có cửa thắng ấy lại là kẻ làm tất cả những gì có thể cho mục tiêu chiến thắng, từ việc ghi bàn, chạy chỗ, hô hào kích thích tinh thần đồng đội và tham gia phòng ngự. Những giọt nước mắt của Công Vinh sau trận khiến người ta càng thêm khâm phục. Cái khát vọng ấy, mấy cầu thủ Việt Nam có được?
Lịch sử bóng đá Việt Nam hiếm ai có một sự nghiệp viên mãn như Công Vinh. Anh giành nhiều Quả Bóng Vàng Việt Nam hơn bất kỳ ai, anh ghi bàn nhiều hơn bất kỳ ai trong lịch sử đội tuyển, anh là người ghi bàn thắng mang về danh hiệu duy nhất cho Việt Nam lúc này - AFF Cup 2008 - sau khi tái hội nhập. Nếu ở bất kỳ một nền bóng đá nào khác, Vinh chắc chắn phải là một tượng đài lớn, một "di sản bóng đá" cần được bảo vệ.
Nhưng có lẽ bởi sự viên mãn mà Cristiano Ronaldo từng nói "Tôi bị ghét vì giàu, đẹp trai và đá bóng giỏi", số người ghét Vinh cũng nhiều không thể tả. Họ chỉ trích anh, vì chuyện tình đẹp với một ca sĩ trong khi cùng thời, có biết bao cầu thủ khác cặp kẻ với những người còn nổi tiếng hơn trong giới showbiz nhưng rồi lại lâm vào cảnh đường ai nấy đi. Họ chỉ trích anh nhận "vơ" bàn thắng nhanh nhất lịch sử V-League, trong khi chính trọng tài đã xác nhận bàn thắng ấy là của Vinh. Họ dìm anh xuống bùn đen sau hành động vái lạy trọng tài, dù đấy chỉ là một hành động bộc phát trong cơn bức xúc, không làm hại gì đến ai và anh cũng đã xin lỗi. Và ngay trận gặp Iraq này đây, họ lại chỉ trích, vì anh có phát ngôn khiếp nhược trước trận, và làm hỏng chiến thắng của Việt Nam sau trận.
Vinh sẽ luôn tạo ra những tranh luận bất tận như thế, chừng nào anh còn thi đấu. Nhưng cũng như David Beckham, cầu thủ "showbiz" đầu tiên trong lịch sử thế giới ngày trước, mọi người có thể tranh luận bất cứ điều gì, trừ nhiệt huyết thi đấu của Vinh. Nói về những giọt nước mắt, có lẽ chưa ai quên Vinh đã khóc nức nở trong buổi tối mà Việt Nam thua Malaysia 2-4 ở lượt về AFF Cup 2014. Một con người ngỡ như đã có tất cả trong sự nghiệp, vẫn bật khóc sau thất bại trong trận đấu mà những bàn thắng của anh không đủ cứu vãn cho một sự sụp đổ, thì đấy phải là những giọt nước mắt đáng tin nhất.
Thế nhưng, chỉ trích mà Vinh phải nhận có lẽ chỉ càng làm dày thêm tình yêu của những ai vẫn dõi theo và ủng hộ Công Vinh. Chiếc cốc tình yêu của Vinh có lẽ luôn chỉ còn phân nửa, nhưng đấy là phân nửa trong suốt, tinh khiết và thuần chất nhất.
Hoài Thương