Hôm 15/8, 100 cựu cầu thủ và cựu trọng tài Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị tập thể lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, với đề nghị chấn chỉnh hoạt động của VFF. Lá đơn phản ánh rằng sau Đại hội VFF nhiệm kỳ VII, bóng đá Việt Nam sa sút về chuyên môn và những vấn đề khác như ít người đến xem V-League và hạng Nhất, nạn bạo lực sân cỏ, trọng tài sai sót nghiêm trọng… Cùng đứng tên là một số cựu danh thủ như Thế Anh (Ba Đẻn), Vũ Mạnh Hải, Vũ Việt Dũng, Lưu Tuấn Sơn, Nguyễn Cao Vinh… Họ cho rằng bóng đá Việt Nam đang ở dưới đáy.
Tuy nhiên, Lê Công Vinh lại không đồng tình với quan điểm của các bậc tiền bối. “Bóng đá Việt Nam cần phải cải thiện nhiều hơn nữa, đó là chuyện không phải bàn cãi. Nhưng nói hiện tại là xuống đáy thì không được, phủ nhận hoàn toàn công lao của các đội bóng và cầu thủ. Tôi nhớ sau khi HLV Henrique Calisto ra đi, đội tuyển Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng đấu bảng AFF Cup 2012 rồi SEA Games 2013. Đó mới thực là giai đoạn kinh khủng", anh chia sẻ với VnExpress.
"Còn trong hai năm qua, chúng ta đã thu được rất nhiều thành công, đặc biệt là ở các đội tuyển trẻ. Tại ASIAD 2014, Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng đấu loại trực tiếp với tư cách nhất bảng, còn tuyển nữ đứng thứ tư, U23 Việt Nam giành HC đồng SEA Games 2015 - danh hiệu đầu tiên sau sáu năm tại đấu trường này, tuyển nam vào bán kết AFF Cup 2014 và tuyển nữ đoạt chức á quân giải vô địch châu Á 2016... Những thành tích đó dù chưa làm thoả mãn người hâm mộ nhưng cũng đáng ghi nhận. Chúng ta phải nhìn vào hai mặt của một vấn đề, không thể quá phiến diện".
Năm nay 32 tuổi, Công Vinh dự định sẽ chia tay tuyển Việt Nam sau AFF Cup 2016. Tiền đạo người xứ Nghệ tin rằng khoảng trống mà anh để lại sẽ nhanh chóng được khỏa lấp bởi hiện tại có nhiều cầu thủ trẻ triển vọng. “Từ thời HLV Toshiya Miura đến HLV Nguyễn Hữu Thắng, đội tuyển đã được trẻ hoá mạnh mẽ, với nhiều gương mặt ấn tượng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Tài, Tiến Dũng... Đây là tín hiệu mừng cho bóng đá nước nhà. Bởi nó bước đầu thể hiện tư duy đầu tư cho sự phát triển một cách bền vững của bóng đá Việt Nam”, Công Vinh nói thêm.
“Trên bình diện chuyên môn, chúng ta có thể thấy rõ điều này khi các đội tuyển trẻ liên tiếp gặt hái thành công. Ví như đội U23 lần đầu tiên giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á, đội U16 giành vị trí á quân tại giải U16 Đông Nam Á sau trận đấu ngang ngửa với U16 Australia, U17 được dự vòng chung kết châu Á tại Ấn Độ và gần nhất là đội U19 vô địch giải giao hữu tứ hùng tại Myanmar... VFF đầu tư nhiều cho bóng đá trẻ, đó là cách làm đúng đắn để tương lai chúng ta có một đội tuyển mạnh”.
Trong lá đơn kiến nghị, các cựu danh thủ đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện củng cố Ban lãnh đạo VFF, cơ quan điều hành (gồm Ban Tổng thư ký, các phòng ban trực thuộc...) theo hướng chuyên môn hóa bóng đá và mong muốn Bộ trực tiếp giám sát, chỉ đạo để nắm các chắc các hoạt động của VFF. Tuy nhiên Công Vinh quan ngại rằng tuyển Việt Nam có thể bị FIFA cấm thi đấu trong thời gian tới nếu “kế sách” mà các cựu danh thủ đưa ra được áp dụng. Theo quy định của FIFA, nhà nước không được can thiệp vào hoạt động của các Liên đoàn. Năm 2015 tổ chức này từng cấm Indonesia tham dự các giải quốc tế do chính phủ nhúng tay vào hoạt động của Liên đoàn bóng đá nước này. “Tôi hiểu mọi người muốn tốt cho bóng đá Việt Nam. Nhưng chúng ta làm gì cũng phải đúng luật. Nếu bị FIFA cấm thi đấu thì bóng đá Việt Nam sẽ thiệt hại rất lớn”, tiền đạo ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử V-League và đội tuyển quốc gia nói.
Lâm Thoả