Công Vinh không khóc sau trận đấu, anh khóc từ khi hát quốc ca trước trận với bàn tay đặt lên lá quốc kỳ trên ngực áo. Ngay hành động ấy đã tạo ra hai luồng tranh luận. Người yêu sẽ thấy hành động ấy cảm xúc và thiêng liêng. Người không thích thì chỉ trích anh yếu đuối. Khi đội tuyển cần một cú hích tinh thần để lật ngược tình thế thì thủ quân của đội tuyển ấy lại khóc như mưa.
Nhưng dù thế nào, cũng có thể thấy những giọt nước mắt ấy mang nhiều tác hại hơn. Một thủ lĩnh đích thực sẽ vào sân với những lời hiệu triệu chứ không phải những giọt nước mắt. Cổ nhân có câu: Anh hùng đổ máu chứ không rơi lệ. World Cup 2014 và Euro 2016, người hâm mộ đã bao lần thấy các cầu thủ rơi nước mắt trước trận. Và không ai trong số đó được đứng trên bục vinh quang. Một nhà vô địch đích thực là người biết kềm chế cảm xúc, là người khóc sau một thành công, chứ không phải sau một thất bại hoặc... trước thất bại đó. Cảm xúc bộc phát của Vinh lúc ấy phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến trận đấu cuối cùng của anh trong sự nghiệp. Trước Indonesia, rất nhiều người thấy anh là cầu thủ chơi tệ nhất.
Thế nhưng, nếu nhìn Vinh trên góc độ của một con người, chúng ta sẽ dễ cảm thông hơn. 12 năm qua, Vinh luôn là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận. Điểm chung của những cuộc tranh luận ấy là họ ít khi nhìn nhận đúng về tài năng cũng như những cống hiến của anh trong sự nghiệp. Vinh có cái xui xẻo là anh thi đấu cùng thời với Văn Quyến ở giai đoạn đầu và Công Phượng của giai đoạn cuối. Người đầu là thần đồng trăm năm có một, người sau là sản phẩm của truyền thông. Cách chơi bóng của Vinh không tạo được cảm xúc như hai nhân vật ấy, và anh vẫn bị dán nhãn là một cầu thủ "cần cù bù khả năng".
Vinh chưa bao giờ chối bỏ điều ấy. Cần cù vẫn là phẩm chất lớn nhất của cầu thủ xứ Nghệ. Mười hai tuổi đã xa gia đình vào tập trung cùng đội trẻ SLNA, với hành trang là hai bộ quần áo và ước mơ lớn là giúp gia đình hết nợ, để cho mẹ có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng cũng như thần tượng lớn của Vinh là Cristiano Ronaldo, anh đã dần biến sự cần cù ấy thành một vũ khí. Vinh không chỉ cần cù thi đấu, tập luyện mà trong cả học hỏi. Anh học từ các HLV, đồng đội, những bài báo hoặc cầu thủ nước ngoài. Hai lần sang Bồ Đào Nha và Nhật Bản với Vinh như hai thời kỳ "du học", để anh học cách tinh giảm những động tác thừa, xử lý bóng gọn ghẽ hơn và chơi bóng với một tư duy hiện đại hơn. Không có nhiều cầu thủ tự tin nói chuyện tiếng Anh với ký giả và truyền hình nước ngoài như Công Vinh. Trong giai đoạn sau này, khả năng giao tiếp của Vinh giúp ích khá nhiều cho đội tuyển trong những tình huống cần phải tranh luận với trọng tài.
Vinh không tin vào việc lừa bóng. Tố chất bẩm sinh không cho anh khả năng tăng tốc đột ngột hoặc một cái hông thật dẻo cho những động tác giả. Nhưng anh tin lừa bóng không phải là con đường duy nhất để chơi bóng. Mục đích cuối cùng của bóng đá vẫn là ghi bàn và lừa bóng chỉ là một phương tiện. Vinh có thể xuất hiện ở đúng lúc, đúng chỗ và đệm bóng thành bàn. Người ta chỉ nhìn thấy khoảnh khắc cuối cùng khi Vinh dứt điểm... dễ dàng và nhẹ hều, nhưng cái khó nhất của một trung phong chính là toàn bộ tình huống di chuyển, thoát truy cản và dự báo điểm rơi ở trước đó.
Và với tư duy ấy, Vinh từng bước trở thành chân sút số một trong lịch sử V-League, chân sút số một của đội tuyển Việt Nam. Các đồng đội từng đá cùng không phải ai cũng thích Vinh, nhưng về nghề nghiệp, ít thấy ai phàn nàn ở anh điều gì. Khi Vinh được các hãng thống kê quốc tế cho hay anh đã lọt vào danh sách 10 những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho đội tuyển vẫn còn thi đấu, vượt qua cả Neymar của Brazil, vẫn có những người tỏ ra không phục anh.
Nhưng khi Vinh nói lời giã từ đội tuyển, có thể nói đấy là thiệt thòi của chính đội tuyển hơn là của anh. Là một cầu thủ, Vinh đã có mọi vinh quang. Anh có chức vô địch AFF Cup, một chức vô địch V-League, giành nhiều Quả Bóng Vàng Việt Nam nhiều hơn bất kỳ ai, ghi bàn cũng nhiều hơn tất cả. Đấy là cái buồn của một nền bóng đá nói chung, bởi Vinh là một tượng đài thật sự, không chỉ bởi những con số thống kê mà còn bởi cái tinh thần chuyên nghiệp đáng khâm phục, giữa thời đại mà chúng ta vẫn chật vật đi tìm sự chuyên nghiệp.
Trước trận đấu với Indonesia, Vinh có viết lên facebook. Anh bảo cuộc đời như một cuốn sách, lật từng trang để thấm thía rằng, dù quyền lực, nghèo hèn hay giàu có đến mấy cũng không ai có thể chiến thắng được thời gian, vì vậy hãy luôn trân quý những phút giây mà mình đựơc sống được đam mê, được yêu.
Vinh đã luôn trân quý từng giây từng phút trên sân, nhưng có lẽ người hâm mộ chưa có sự trân quý ngược lại với những gì mà anh đã cống hiến. Trên các diễn đàn, đọc phần bình luận của độc giả trước tin Vinh giải nghệ mà nhói lòng. Ngày anh giải nghệ, vẫn có quá nhiều những hằn học. Nhưng cuộc sống là vậy, người ta chỉ vinh danh người chiến thắng và dễ dàng buông ra những lời cay nghiệt. Điều đó càng đúng trong bóng đá.
Cuối cùng, khi Vinh xếp lại hành trang gói ghém của hai mươi năm bóng đá, của mười hai năm thi đấu chuyên nghiệp, thứ anh còn lại chẳng phải là những chiếc Cúp, những kỷ lục, hay những lời tán dương mà là người phụ nữ vẫn đi cạnh cuộc đời anh. Một trang sách mới sẽ lại mở ra với Vinh, trang sách mà anh đã chuẩn bị tâm thế cho nó từ rất, rất lâu. Chỉ có điều anh không ngờ nó lại kết thúc buồn bã và có phần phũ phàng như vậy. Nhưng một con người đã vượt qua mọi biến cố sẽ biết cách để đi tiếp, như chính anh viết trong dòng cuối cùng của facebook hồi tuần trước: Dù thế nào ngày mai... mặt trời vẫn mọc.
Hoài Thương