Khởi công tháng 10/2020, Công viên phần mềm số 2 trên đường Như Nguyệt, quận Hải Châu, có tổng diện tích xây dựng gần 28.600 m2, với các khối nhà văn phòng làm việc 8-20 tầng. Đây là công trình trọng điểm của thành phố, dự kiến có 6.000 kỹ sư công nghệ thông tin làm việc.

Dự án Công viên phần mềm số 2 hoàn thành phần thô nhưng phải dừng thi công. Ảnh: Nguyễn Đông
Đến tháng 10/2022, dự án cơ bản hoàn thành hạ tầng, đường nội bộ, khuôn viên và các khối nhà làm việc nhưng phải tạm dừng thi công lắp đặt thiết bị vận hành. Sau một năm bỏ không, khuôn viên xung quanh dự án thành nơi xả rác, mọc đầy cỏ dại.
Lý giải nguyên nhân tạm dừng thi công, ông Lê Sơn Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, giải thích dự án được đầu tư bằng ngân sách nên là tài sản công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định pháp luật, hành lang pháp lý về tài sản kết cấu hạ tầng công ở lĩnh vực công nghệ thông tin.
"Quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công viên phần mềm chưa có. Đây chính là vướng mắc chính của dự án", ông Phong nói, cho biết trước đây thành phố nhiều lần kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nhưng không thành công nên quyết định đầu tư bằng ngân sách thành phố.

Phía ngoài dự án thành nơi xả rác. Ảnh: Nguyễn Đông
Tháng 3/2023, sau khi UBND TP Đà Nẵng kiến nghị, Thủ tướng đồng ý cho phép bổ sung nội dung trên vào quy định cơ chế đặc thù của thành phố. Tuy nhiên, thành phố chưa xác định được thời gian đưa công trình vào hoạt động vì vẫn chờ Chính phủ ban hành nghị định bổ sung về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng.
Theo ông Phong, Công viên phần mềm chậm đưa vào khai thác là "điểm nghẽn của ngành công nghệ thông tin thành phố". Nhu cầu đăng ký sử dụng không gian trong công viên hiện rất lớn nên Sở mong muốn công trình sớm đi vào hoạt động để tạo động lực phát triển, tránh lãng phí.

Công viên phần mềm số 2 nằm ở vị trí dưới chân cầu Thuận Phước, ven sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông
Năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, Internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác đóng góp 19,76% GRDP. Đến nay, thành phố có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số, trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ hai và gấp ba lần trung bình cả nước.
Thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với ít nhất 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.